Quan tâm, cảm hóa những đối tượng lầm lỡ

.

ĐNO - Bên cạnh công tác giáo dục thì sự quan tâm, chăm sóc của những cán bộ, giáo viên tại Trường Giáo dưỡng số 3 trực thuộc Cục cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (Bộ Công an) đã giúp nhiều em từng lầm lỡ nhận thức đúng đắn hơn. Từ đó, góp sức vào công cuộc phòng, chống tội phạm.

Thiếu tá Phạm Viết Phương đang quan sát, kiểm tra quá trình may giày của học sinh.
Thiếu tá Phạm Viết Phương đang quan sát, kiểm tra quá trình may giày của học viên.

Nhiều năm qua, Trường Giáo dưỡng số 3 - trực thuộc Cục cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (Bộ Công an) nằm trên địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang là nơi tiếp nhận, tổ chức, quản lý, giáo dục người chưa thành niên từ các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có hành vi vi phạm pháp luật. Tại đây, học sinh được phân thành các đội. Mỗi đội có giáo viên chủ nhiệm đảm nhận công tác quản lý, túc trực, theo dõi sát sao tình hình của học sinh. Các em được dạy văn hóa, dạy nghề, tư vấn các hoạt động giáo dục bổ trợ khác.

Bên cạnh đó, nhà trường chủ động khảo sát, tìm hiểu nhu cầu nghề nghiệp hiện tại; liên kết với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và một số tỉnh thành khu vực miền Trung để nhận học sinh sau khi ra trường về làm việc.

Ngoài ra, trường cũng thành lập tổ tư vấn gồm 14 thành viên với mục đích giải đáp thắc mắc, hỗ trợ các em khi cần thiết, đặc biệt là giai đoạn trước và chuẩn bị ra trường. Các cán bộ, giáo viên tại trường luôn theo sát, cảm hóa, giáo dục các em trở thành người tốt, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Sinh trưởng trong gia đình nghèo, bố bỏ đi khi em vừa ra đời, thời gian sau, mẹ tiến thêm bước nữa, vì thiếu hiểu biết và sự quan tâm từ gia đình, R.M.C (SN 2005, quê tỉnh Gia Lai) đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè để thực hiện hành vi trộm cắp.

Ngày mới vào trường, con chữ đối với C hoàn toàn xa lạ. Nhưng sau gần 2 năm, với sự chỉ dạy của những giáo viên tại trường, từ việc xóa mù chữ, C trở thành một học sinh khá. Em có thể đọc, viết, làm toán ở trình độ lớp 3, có ý thức tự giác cao trong học tập. Bên cạnh đó, em còn được học nghề may giày và nghề hàn.

Từ
Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô tại trường, R.M.C đã được xoá mù chữ.

Thiếu tá Phạm Viết Phương, Phó Đội trưởng Đội giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm đội 4 cho biết: “Chứng kiến sự tiến bộ của C, trong đợt xét giảm lần 2 năm 2022, nhà trường đã lập hồ sơ đề nghị Toà án Nhân dân xem xét giảm thời gian chấp hành. Kết quả, em được giảm 2 tháng 10 ngày”.

18 năm công tác tại trường, theo thầy Phương, mỗi lứa học sinh đều có hoàn cảnh, tính cách khác nhau. Là giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên túc trực bên cạnh các em, bản thân thầy vừa phải nghiêm khắc, vừa phải mềm mỏng. Vì các em đang trong độ tuổi chuyển giao giữa trẻ và người lớn, tính cách còn nhiều bốc đồng.

Hiện nay, học sinh tại trường phần lớn đến các tỉnh vùng núi và là người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không thể thường xuyên thăm hỏi. Chính vì vậy, những cán bộ quản lý (giáo viên chủ nhiệm) vừa là người thầy, vừa là người cha, người mẹ thứ 2, thường xuyên theo dõi, động viên các em hoàn lương.

Quả ngọt là khi nhiều học sinh sau khi ra trường đã trở thành công dân có ích cho xã hội, trong dịp kỷ niệm thành lập trường vừa qua, có học sinh đã quay lại trường thể hiện sự tri ân với cán bộ, giáo viên.

Gắn bó với trường đến nay đã 13 năm, Thiếu tá Lê Thị Tài, giáo viên dạy văn hoá bày tỏ: “Chúng tôi luôn quan tâm và xem các em như con mình. Và các em cũng xem chúng tôi như cha mẹ. Không chỉ kể chuyện, các em còn tâm sự cho chúng tôi nghe về gia đình, bạn bè của mình.

Tiếp xúc càng lâu, tôi càng thấy các em sống tình cảm như bao bạn trẻ khác ngoài kia. Hy vọng sau khi ra trường, các em nỗ lực hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội”.

Các hành vi vi phạm pháp luật của thiếu niên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể đến từ việc thiếu hiểu biết pháp luật và sự quan tâm của gia đình. Chính vì vậy, bên cạnh công tác giáo dục, sự quan tâm, cảm hoá của những thầy cô tại Trường Giáo dưỡng số 3 là cơ hội để các em từng lầm lỡ hoàn lương, thay vì bị dẫn dắt, sa lầy vào con đường sai trái.

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.