Xây dựng Đảng về đạo đức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng

.

Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; là việc làm thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Đồng thời, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Để thực hiện yêu cầu trên, năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên; đồng thời xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, từ các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử.

Từ năm 2018, Thành ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Để việc xây dựng chuẩn mực đạo đức sát với nhiệm vụ, Thành ủy yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc khi chỉ đạo ban hành chuẩn mực đạo đức đối với các chi bộ, đảng bộ, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phải bảo đảm toàn diện, đầy đủ các thành tố để định hướng cho mỗi cá nhân học tập và làm theo Bác.

Các nội dung cơ bản làm căn cứ xây dựng những chuẩn mực đạo đức, gồm 5 xây (trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu); 3 chống (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức); cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; trung thực, tự trọng, trong sáng, giản dị, khiêm tốn; thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của cơ quan và pháp luật.

Từ các chuẩn mực chung, các đơn vị trực thuộc tiếp tục cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đồng thời khái quát thành khẩu hiệu ngắn gọn, thiết thực, sát đối tượng để thực hiện...

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Ban Tuyên giáo Thành ủy, hiện nay, công tác xây dựng Đảng về chuẩn mực đạo đức còn chưa cụ thể, chưa sâu, chưa đồng bộ. Thực tế vẫn còn một số khẩu hiệu có phạm vi bao quát rộng, chung chung nên khó kiểm tra, đánh giá. Việc gắn đánh giá kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức cùng với thực hiện trách nhiệm nêu gương có khâu chưa rõ nét, còn biểu hiện lúng túng, thiếu tính thường xuyên.

Do đó, theo Ban Tuyên giáo Thành ủy thời gian tới, các đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị tiến hành bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức bảo đảm sát với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, cần lưu ý cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức phù hợp từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân theo ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới, đặc điểm xã hội; tiến hành xây dựng thành các khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Cùng với nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên là việc áp dụng các biện pháp về quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, uốn nắn, nhắc nhở, phê bình, biểu dương, khen thưởng trong quá trình thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội; trách nhiệm với công việc; trung thực, tự trọng, trong sáng, giản dị, khiêm tốn; tôn trọng luật pháp, kỷ cương; đoàn kết, nhân ái; suốt đời phấn đấu, rèn luyện, học tập, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Hằng tháng, cấp ủy Đảng và lãnh đạo cơ quan cần đánh giá tình hình thực hiện chuẩn mực đạo đức ở cơ quan, đơn vị mình để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện.

Hằng năm, cấp ủy Đảng cơ sở và từng chi bộ tiến hành đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã xây dựng gắn với kiểm điểm công tác cuối năm, trong đó có biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện tốt và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục...

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.