Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng bộ thành phố (28-3-1930 - 28-3-2023): Đoàn kết, ra sức xây dựng thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại

.

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Đảng bộ thành phố luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường sự đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trao đổi với Báo Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28-3-1930 - 28-3-2023) và 48 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2023), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển thành phố, đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước và từ năm 1997 đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và Đảng bộ thành phố hiện nay đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế từng bước phát triển, đời sống người dân được nâng lên, góp phần quan trọng cùng đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

* Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là khâu “then chốt”, đồng chí đánh giá như thế nào về công tác này của Đảng bộ thành phố trong suốt chặng đường hình thành và phát triển?

- Sau khi thành lập, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng đã vượt qua những khó khăn, gian khổ, cùng quân, dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua đó làm nên những thắng lợi vẻ vang, góp phần thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. 

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ thành phố luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên cả 5 phương thức: công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động; công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và cán bộ, đảng viên nêu gương.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy xác định công tác cán bộ giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy chú trọng việc nghiên cứu, cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc thành các quy định, quy trình cụ thể để thực hiện thống nhất, đồng bộ, trong đó công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ được chú trọng và thực hiện theo nguyên tắc “động và mở”, bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định về công tác cán bộ; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031; kiện toàn nhân sự lãnh đạo Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án quan trọng được ban hành để cụ thể hóa việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy định, bảo đảm tính kế thừa, chú trọng đưa cán bộ có năng lực, triển vọng phát triển về các địa phương, đơn vị có điều kiện khó khăn hơn để đào tạo, rèn luyện cán bộ nguồn. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy mạnh dạn thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ giữa khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể với khối chính quyền và ngược lại. Qua đó, cán bộ phát huy năng lực, sở trường, thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được chú trọng, tập trung vào các vấn đề phức tạp, nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm. Kịp thời, nghiêm túc ban hành văn bản chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; gắn kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng với trách nhiệm người đứng đầu. Cấp ủy các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề, xử lý nghiêm, kịp thời đối với tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kịp thời khắc phục hạn chế, thiếu sót, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ. Đặc biệt là lần đầu tiên và ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ. Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời cụ thể hóa và triển khai các văn bản của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; theo đó, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập và ban hành quy chế làm việc, các văn bản liên quan để hoàn thiện cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhờ đó, nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp được tập trung chỉ đạo xử lý nhanh chóng, kịp thời, ổn định dư luận. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tồn đọng, nổi cộm được tập trung giải quyết đúng pháp luật; công tác thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế được phối hợp thực hiện tốt.

Quận Hải Châu, khu đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao.Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Quận Hải Châu, khu đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

* Đồng chí đánh giá như thế nào về quá trình phát triển của thành phố từ sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

- Việc Đà Nẵng được chia tách trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là bước ngoặt để thành phố bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trước nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, phát huy những thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố nỗ lực, đoàn kết với quyết tâm cao, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể, qua đó đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực như ngày hôm nay.

Dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Điển hình như trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, thành phố gặp muôn vàn khó khăn, hầu hết các lĩnh vực bị ngưng trệ, kinh tế tăng trưởng âm trong năm 2020 và chỉ đạt chưa đầy 1% trong năm 2021. Với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt, thành phố đã chiến thắng đại dịch, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước, được Trung ương, các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.

Qua 26 năm xây dựng và phát triển, thành phố có quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2022 đạt hơn 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển; không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với năm 1997. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố cũng có một số tồn tại, hạn chế, sai phạm mà các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chỉ rõ, tạo những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của thành phố như các vướng mắc về đất đai trên địa bàn thành phố chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế thành phố chưa tương xứng, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn bất cập, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; tư tưởng, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có phần giảm sút... Đây là các hạn chế, tồn tại thành phố đang tập trung khắc phục, giải quyết để tạo động lực phát triển thành phố nhanh và bền vững trong thời gian đến.

* Những năm gần đây, Trung ương luôn quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết nhằm tạo các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương chính là động lực quan trọng để Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững. Từ năm 2003 đến năm 2019, Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết số 43-NQ/TW và một số kết luận quan trọng khác. Điều này cho thấy Trung ương, Bộ Chính trị kỳ vọng rất lớn vào Đà Nẵng với vai trò là cực tăng trưởng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với mục tiêu “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”, tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2030 trên 12%, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 8.700 USD”.

Trên cơ sở đó, thành phố chủ động, phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW. Có thể kể đến như: Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 05/2021/QĐ-TTg ngày 8-2-2021 quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25-3-2021 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung và đã tiến hành khởi công vào cuối năm 2022; thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng...

Ngoài ra, trong năm 2022, thành phố cũng đã trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; Đề án hình thành khu phi thuế quan Đà Nẵng và gần đây là đề nghị triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng; tích cực, phối hợp với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai trên địa bàn thành phố tạo điều kiện sớm đưa các nguồn lực đất đai này vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Có thể nói, những cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển thành phố được Trung ương quan tâm, ban hành trong những năm gần đây thực sự là những văn kiện, định hướng mang tính nền tảng, là cơ sở pháp lý, là động lực, là chìa khóa mở ra những cơ hội, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững trong thời gian đến. Vấn đề quan trọng ở đây là sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để cùng hiện thực hóa nhanh và hiệu quả các chủ trương nêu trên của Trung ương.

Không gian đô thị thành phố hiện nay được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Việc mở rộng đô thị cũng là mở rộng không gian phát triển, trong đó ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Vệt đô thị ven biển hình thành các trung tâm lưu trú, nghỉ dưỡng đẳng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: G.P
Không gian đô thị thành phố hiện nay được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với năm 1997, khi thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Việc mở rộng đô thị cũng là mở rộng không gian phát triển, trong đó ngành du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TRONG ẢNH: Vệt đô thị ven biển hình thành các trung tâm lưu trú, nghỉ dưỡng đẳng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: G.P

* Đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2023 và thời gian đến?

- 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, thành phố tập trung đánh giá, kiểm điểm giữa nhiệm kỳ việc thực hiện nghị quyết; trên cơ sở đó, rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị (khóa XI, XII, XIII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổ chức hội nghị quán triệt chuyên sâu Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) và các văn bản mới của Trung ương, Thành ủy. Tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả trong toàn Đảng bộ thành phố. Thực hiện đảm bảo Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Thông báo số 50-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; để ra các giải pháp chuyên đề về công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với thành phố và đặc biệt sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị với những nội dung liên quan trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực triển khai hiệu quả Chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, trong đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; kịp thời thực hiện chủ trương của Trung ương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục vi phạm về quản lý đất theo kết luận thanh tra của Trung ương, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, khơi thông nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, khởi công trong năm 2023 đối với các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn.

Song song đó, thành phố chú trọng phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch; triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh... Thành phố tiếp tục chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Tin tưởng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xã hội, thành phố Đà Nẵng sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, quyết tâm xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

* Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.