Việc thành lập các tổ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận có bờ biển trên địa bàn thành phố không chỉ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần giúp lực lượng chức năng phát hiện được nhiều vụ vi phạm đánh bắt cá trái phép, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Lãnh đạo quận Thanh Khê trao quyết định thành lập Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Thanh Khê Đông. Ảnh: N.P |
Tổ trưởng Tổ cộng đồng phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) Nguyễn Quang cho biết, 30 thành viên trong tổ đều là những ngư dân thường xuyên bám biển, đa phần tàu cá trên địa bàn có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét, hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ.
Theo ông Quang, từ đầu năm 2023 đến nay tổ đã báo cáo hơn 5 trường hợp vi phạm trong đánh bắt, khai thác thủy sản và báo về Đồn Biên phòng Hải Vân để phối hợp cùng các ngành chức năng xử lý. “Tổ phân công lịch trực cho các thành viên trong tháng, đồng thời trong quá trình đánh bắt ven bờ, các tổ viên sẽ phối hợp cùng nhau để phát hiện và ngăn chặn hành vi tận diệt thủy sản nhỏ”, ông Quang nói.
Theo Phó trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu Trần Quang Vinh, tổ cộng đồng được thành lập nhằm cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền với ngư dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quận, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý nghề cá và tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững. Đồng thời, góp phần giảm tác động gây tổn hại đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, duy trì sinh kế bền vững cho ngư dân đánh bắt hải sản.
Tổ trưởng Tổ cộng đồng phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) Nguyễn Văn Thu chia sẻ, trong quá trình khai thác thủy sản, thành viên trong tổ sẽ phối hợp trực tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ nguồn lợi tại vùng biển ven bờ.
“Các thành viên trong tổ sẽ ghi hình lại hiện trường, sau đó báo cáo thông tin cho tổ trưởng để phân phối xử lý khi phát hiện các hoạt động vi phạm như: tàu cá làm nghề gây phá hoại nguồn lợi (xung điện, chất nổ, chất độc, sử dụng điện công suất lớn...); tàu cá của tỉnh khác vào hoạt động khai thác tại vùng biển ven bờ; các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản… Sau khi tiếp nhận thông tin, tổ trưởng báo cáo nhanh cho Đồn Biên phòng Phú Lộc, chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản thành phố để các đơn vị liên quan ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú, trên địa bàn quận có 93 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, phương tiện khai thác gần bờ (thúng máy) 255 chiếc. Chính vì vậy, tổ cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Các thành viên trong tổ còn thường xuyên tham gia dọn dẹp rác thải nhựa, làm sạch môi trường tại bãi biển, kênh rạch góp phần làm sạch môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.
“Thời gian đến, Phòng Kinh tế quận sẽ tiếp tục quản lý, hỗ trợ và phát huy vai trò của tổ cộng đồng, tăng cường vận động ngư dân tham gia tổ và có những chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động của tổ; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho ngư dân; ký cam kết tàu cá đưa rác từ biển vào bờ…”, ông Tú nói.
Thiếu tá Lê Minh Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, đơn vị luôn đồng hành cùng các tổ cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường biển. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, ký cam kết chống hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định (IUU).
“Chính nhờ tổ cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền đến bà con ngư dân trên địa bàn quận Thanh Khê mà các hoạt động vi phạm IUU đã giảm. Các tàu cá cũng e dè hơn, không còn kiểu đánh bắt tận diệt như trước đây nữa”, Thiếu tá Lê Minh Hoàng nói.
Năm 2022, Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp chính quyền địa phương và 4 tổ cộng đồng tại các phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) thực hiện rà soát, củng cố sắp xếp lại các tổ; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ cộng đồng thực hiện cùng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đến nay, UBND các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà đã công bố quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho 4 tổ cộng đồng với 105 thành viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, các tổ đã chủ động tổ chức ra quân triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, qua công tác tuần tra trên biển đã kịp thời báo cáo cho Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản thành phố hơn 10 nguồn tin về các hành vi gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tại các địa bàn được giao quản lý.
NGỌC PHƯƠNG