ĐNO - Chiều 19-5, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Định tổ chức hội thảo công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Dự hội thảo có Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trong 3 năm, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phát triển được 14.521 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; trong đó, tại công ty cổ phần là 8.002 đảng viên, doanh nghiệp tư nhân là 2.322 đảng viên, công ty hợp danh là 223 đảng viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.918 đảng viên.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước những năm gần đây đã được cấp ủy quan tâm, chú trọng.
Các cấp ủy đã chủ động rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên, tăng cường bồi dưỡng nhận thức về Đảng và quan tâm kết nạp vào Đảng đối với những quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành đề xuất một số giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong thời gian tới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Phạm Văn Hòa trước hết, các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người chủ doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng của cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng tinh gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm; từng bước để các chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức Đảng và đảng viên đang sinh hoạt trong doanh nghiệp không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà trái lại thúc đẩy sản xuất, hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, quan tâm hỗ trợ công tác xây dựng Đảng cho các tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Đặc biệt, cần nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng trong công tác phát triển đảng viên mới; phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm, phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; nhất là tạo nguồn, kết nạp đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp vào Đảng…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước gặp không ít khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các địa phương cũng đã nỗ lực và đạt được những kết quả khả quan…
Theo Thường trực Ban Bí thư, nơi nào chủ doanh nghiệp là đảng viên thì việc phát triển Đảng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do mục đích kinh doanh nên không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm thành lập tổ chức Đảng và phát triển đảng viên. Vì vậy, các cấp ủy cần chủ động, linh hoạt; Công đoàn cần tiên phong phối hợp vận động chủ doanh nghiệp.
Trong phát triển đảng viên, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, việc phát triển đảng viên phải bảo đảm số lượng nhưng phải nâng cao chất lượng; mong muốn các tỉnh, thành tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, từ trái sang) cùng các đại biểu thành phố chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ |
NGỌC PHÚ