Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá: 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố đã có nhiều chính sách đột phá để xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức thành phố trong sự nghiệp phát triển thành phố và đạt được kết quả to lớn. Đà Nẵng bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiệm vụ hiện thực hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ này đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ trí thức của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. |
* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới?
- Với những chính sách đúng đắn về phát triển nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng, thành phố đã có một đội ngũ trí thức khá mạnh để tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, đội ngũ trí thức vẫn chưa được khai thác hết các tiềm năng, chưa phát huy hết năng lực trước những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Để thực hiện được mục tiêu này cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương cần có sự chung tay góp sức của đội ngũ trí thức, là lực lượng quan trọng và mang tính quyết định đến việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra.
* Thành phố có những lộ trình nào để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong những năm tới?
- Thành phố đưa ra lộ trình cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đến năm 2030, thành phố xây dựng cơ cấu đội ngũ trí thức trong các ngành phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào 5 lĩnh vực mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Đội ngũ trí thức phát triển theo hướng bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế; tăng số lượng những nhà khoa học đầu ngành có trình độ cao để có thể nghiên cứu ứng dụng, giải quyết những vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của thành phố, đồng thời tham gia dìu dắt, hướng dẫn nâng cao trình độ cho đội ngũ kế cận. Chất lượng đội ngũ trí thức tiếp tục được chú trọng, tăng cường bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trình độ cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.
Thành phố đang chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, các cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn, có tầm nhìn, tận tâm, có năng lực tham mưu, tư vấn, hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Song song đó, thành phố có chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc và những đóng góp cụ thể của trí thức đối với thành phố; phát hiện những trí thức có tài, tâm huyết để kịp thời động viên, khuyến khích, bố trí công việc phù hợp và tạo môi trường tốt để phát huy tối đa tài năng, cống hiến cho thành phố.
* Để thực hiện yêu cầu trên, thành phố triển khai các giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Trước hết, thành phố hoàn thiện chế độ tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của công chức, viên chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý thuyết gắn với thực hành tiếp tục được đổi mới, kết thúc khóa học tổ chức khảo sát, kiểm tra, tổ chức hội thi chuyên đề các kỹ năng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức, viên chức trong công tác lãnh đạo, quản lý và thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phối hợp thông qua các chương trình, đề án của bộ, ngành Trung ương và các tổ chức hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kỹ năng chuyên môn - nghiệp vụ ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng ngắn hạn và chuyên sâu mang tính ứng dụng cao và giải quyết các vấn đề thực tiễn thành phố.
Đối với đào tạo sau đại học, thành phố cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo tại nước ngoài với điều kiện ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và yêu cầu quy hoạch đào tạo cán bộ; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự tìm học bổng để học bậc cao hơn.
Về cơ chế, chính sách, thành phố chú trọng vinh danh đội ngũ trí thức tiêu biểu; đãi ngộ và vinh danh dựa trên công trạng, theo đối tượng cụ thể và tương xứng với những đóng góp. Đồng thời, tạo điều kiện để trí thức, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào các chương trình, dự án lớn của ngành, địa phương, đơn vị. Qua đó, tiến cử, lựa chọn để bồi dưỡng phát triển, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố theo Đề án xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và tạo nguồn cán bộ chủ chốt thành phố những năm tiếp theo.
Thành phố tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, tạo lập môi trường tốt cho đội ngũ trí thức của thành phố làm việc; khuyến khích việc thành lập và phát triển các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố để các trí thức có thể triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ vào thực tiễn. Quy chế khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ, quy chế công nhận sáng kiến triển khai thực hiện bài bản để động viên, khuyến khích và tôn vinh đội ngũ trí thức, các tổ chức và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ; trong đó, tập trung vào các sáng chế, các công trình khoa học đạt giải thưởng và có giá trị ứng dụng cao, các công bố quốc tế.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện