Hòa nhập cộng đồng bền vững cho người sau cai

.

ĐNO - Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện thời gian qua trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng bền vững, đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, kéo giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy đòi hỏi cần có một chuỗi các liên kết chặt chẽ, bền vững.

G
Dạy nghề (điện ô-tô) cho học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng

Hằng năm, Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố giải quyết cho khoảng 200 đến 300 người hoàn thành chương trình cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng. Công tác bàn giao, chuyển tiếp được Cơ sở xã hội Bầu Bàng cùng với công an các xã, phường, địa phương và thân nhân gia đình người cai nghiện phối hợp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Sau khi về cộng đồng, các địa phương tiếp tục thực hiện quản lý sau cai theo quy định của thành phố nhằm đảm bảo công tác quản lý, giáo dục, trợ giúp người sau cai được kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả.

 

Em Q., 22 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, học viên cai nghiện (lần 3) tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng chia sẻ: “Sau khi cai ở Cơ sở trở về, em cũng cố gắng đi xin việc làm và làm được một thời gian. Sau đó nhiều người ở chỗ làm cũng như ở gần nhà không tiếp nhận em nên dần dần buồn chán dẫn đến sử dụng lại ma túy”.

 

Ông Dương Thanh Phong, Phó Chủ tịch phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cho biết: “Địa phương luôn quan tâm, tìm cách tiếp cận, động viên và hỗ trợ cho những em sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tập trung ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng trở về hòa nhập cộng đồng. Nhiều em được hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vay vốn để làm ăn, chăm lo cho bản thân và gia đình. Từ năm 2020-2022, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đã kèm cặp, giúp đỡ cho 20 trường hợp. Nhìn chung những trường hợp mà địa phương hỗ trợ đã an tâm tư tưởng, bước đầu phát huy được nguồn lực được hỗ trợ, có công việc làm và nguồn thu nhập ổn định”.

Để thúc đẩy hòa nhập cộng đồng bền vững cho người sau cai nghiện, từ bỏ ma túy, đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình cũng như an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh phân biệt đối xử với người sử dụng ma túy cũng như người đã hoàn thành chương trình cai nghiện. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, tiền thuê mặt bằng… cho những doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh để họ tiếp nhận người sau cai vào học nghề, làm việc.

 

Đồng thời tăng ngân sách cho công tác đào tạo nghề tại cơ sở cai nghiện nhằm trang bị cho người cai nghiện những ngành nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây được xem là mục tiêu kép, vừa tăng tỷ lệ đào tạo, vừa là con đường ngắn nhất để họ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ tái sử dụng ma túy.

Chính quyền và đoàn thể ở các địa phương tăng cường tiếp cận, tìm hiểu, động viên, chia sẻ, hỗ trợ cho người sau cai nghiện nhằm giúp họ ổn định tâm lý, không còn tự ti về bản thân; hỗ trợ phương tiện sinh kế, vay vốn với những trường hợp đủ điều kiện; kết nối giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người sau cai; tạo điều kiện thuận lợi để những trường hợp còn thiếu căn cước công dân cũng như các thủ tục hành chính khác được làm đầy đủ. Thành lập các câu lạc bộ đồng đẳng để người sau cai nghiện giao lưu, sinh hoạt, giúp nhau hòa nhập cộng đồng.

Gia đình người sau cai cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục, động viên, tạo sự gần gũi để con em mình an tâm tư tưởng, thật sự tìm thấy sự an toàn trong chính gia đình mình để phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên tiếp tục học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống nhằm giảm thiểu nguy cơ bị lôi kéo từ các thành phần xấu.

Bản thân người sau cai phải thật sự an tâm tư tưởng; tích cực tìm kiếm việc làm; xây dựng nếp sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Chủ động tìm đến cơ sở tư vấn tâm lý cũng như địa phương để được tư vấn, tạo tâm lý vững vàn, tránh bị lôi kéo tái sử dụng ma túy.

          ÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.