Lãnh đạo thành phố thăm gia đình nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng Phạm Thâm

.

ĐNO - Sáng 10-5, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết thay mặt lãnh đạo thành phố đến thăm thân nhân gia đình đồng chí Phạm Thâm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhân 120 năm ngày sinh đồng chí.

Cùng đi có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết thắp hương đồng chí Phạm Thâm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết thắp hương tưởng nhớ đồng chí Phạm Thâm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe thân nhân gia đình; trân trọng và cảm ơn những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Thâm trong suốt quá trình hoạt động cách mạng trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tấm gương cách mạng và sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc của đồng chí Phạm Thâm là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Học tập tấm gương đồng chí Phạm Thâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nguyện kế thừa sự nghiệp của đồng chí, đoàn kết, ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ông Phạm Tấn Anh, cháu nội đồng chí Phạm Thâm thay mặt gia đình bày tỏ lời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đối với gia đình; khẳng định các thế hệ con cháu luôn noi gương ông cha để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Đồng chí Phạm Thâm tên thật là Phạm Tấn Khánh, sinh năm 1903, tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.  Đồng chí sinh trưởng trong một gia đình làm nông, được gia đình quan tâm cho đi học khi còn nhỏ. Lòng yêu nước và căm ghét sự bất công đã đưa đồng chí Phạm Thâm sớm đến với cách mạng và những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dù còn mang tính tự phát. 

Học xong bậc trung học, đồng chí Phạm Thâm về quê mở trường dạy học. Là giáo viên nên đồng chí có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với nhiều người, nhất là giáo viên ở các địa phương khác.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 5, từ phải sang) tặng quà lưu niệm cho thân nhân nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Thâm. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ 5, từ phải sang) tặng quà lưu niệm cho thân nhân nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Thâm. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chính trong mối quan hệ đó, đồng chí được đồng chí Nguyễn Thái, hội viên Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An đến liên lạc, tuyên truyền và giác ngộ. Sau một thời gian, đồng chí Phạm Thâm cùng với đồng chí Nguyễn Tụy, người làng Cẩm Lậu (nay thuộc xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, sinh hoạt tại Chi bộ Hội An. 

Tháng 9-1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam được thành lập. Đồng chí Phạm Thâm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, được phân công chuyên lo phát triển phong trào ra các phủ, huyện nông thôn theo chỉ thị của Xứ ủy.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam nhất trí chuyển thành Tỉnh bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Tháng 8-1930, Tỉnh ủy họp và nhất trí cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư. Trong thời điểm này, phong trào cách mạng trong tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Thâm đang phát triển mạnh mẽ, đến tháng 10-1930, bị địch khủng bố khốc liệt.

Tháng 8-1931, đồng chí Phạm Thâm cùng 9 đồng chí khác bị địch bắt, đưa đi nhà lao Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị và bị tra tấn dã man. Đầu năm 1934, đồng chí Phạm Thâm cùng nhiều đồng chí khác được ra tù. Trở về nhà, do bị tra tấn dã man trong những năm tháng bị giam cầm, sức khỏe ngày một giảm sút, đồng chí Phạm Thâm từ trần ngày 31-9-1934.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Thâm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng trong quá trình vận động, thành lập và hoạt động trong thời gian đầu sau khi thành lập của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Ông Phạm Tấn Anh cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với gia đình. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ông Phạm Tấn Anh (thứ 3, từ trái sang) cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với gia đình. Ảnh: NGỌC PHÚ

Sự đóng góp ấy được Tỉnh ủy ghi nhận và tín nhiệm cử làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy. Hoạt động trong điều kiện Đảng bộ tỉnh mới ra đời, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng trên cương vị được giao, đồng chí đã cùng tập thể, lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng sôi nổi, góp phần phát triển tổ chức Đảng và tạo ảnh hưởng của Đảng ngày một lan rộng, đặt nền móng cho việc xây dựng Đảng bộ và tổ chức các phong trào cách mạng về sau.

NGỌC PHÚ

 

;
;
.
.
.
.
.