Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cần có những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững như hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất. Qua đó, thực hiện ngày càng hiệu quả hơn các chính sách an sinh xã hội, giúp người lao động yên tâm đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Đoàn thanh tra liên ngành đang tiến hành thanh tra tại đơn vị sử dụng lao động. Ảnh: N.QUANG |
Vướng mắc trong xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Khoản 1, Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: phạt tiền tối đa 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động và tối đa 150 triệu đồng đối với các tổ chức, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp nợ BHXH mức phạt tối đa 75 triệu đồng là quá nhẹ và chưa đủ tính răn đe. Nhiều doanh nghiệp hiện nay nợ số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Với mức phạt như trên, các doanh nghiệp sẽ cố tình gửi số tiền BHXH đã thu theo lương của người lao động vào ngân hàng để có khoảng lời phục vụ cho hoạt động kinh doanh và việc “chây ỳ” sẽ tiếp tục diễn ra. Đối với trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, tại Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) chỉ quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Hiện nay, hành vi trốn đóng và nợ, chiếm dụng BHXH là hoàn toàn khác nhau. Thế nên, dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng chỉ quy định về tội trốn đóng BHXH nên các doanh nghiệp nợ BHXH không phạm tội và không bị xử lý hình sự.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Hùng Anh cho biết, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định rõ tổ chức Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động và Luật Tố tụng dân sự hiện có một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục để tổ chức Công đoàn khởi kiện.
Cụ thể, doanh nghiệp và người lao động phải trải qua quá trình hòa giải, tranh chấp quyền lợi tại UBND cấp huyện, phải có ủy quyền của toàn bộ người lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở là người lao động hưởng lương tại doanh nghiệp... Đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế vì số lượng người lao động ở các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT là rất lớn nên hầu như không thực hiện được.
Cùng quan điểm trên, luật sư Vũ Ngọc Hà cho rằng hiện nay các tổ chức Công đoàn cơ sở được hình thành ở các doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc phối hợp, bảo vệ và chăm lo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, lương của cán bộ Công đoàn cơ sở là do doanh nghiệp chi trả và chính sự phụ thuộc này mà họ e ngại khi khởi kiện theo sự ủy quyền của người lao động. Nên trên thực tế, Công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp là rất khó.
Cần sửa luật với chế tài nghiêm khắc hơn
Từ những vướng mắc bất cập trên, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, hiện nay, trong dự thảo Luật BHXH đang được nghiên cứu có định nghĩa thế nào là trốn đóng BHXH. Trong đó, Điều 216, Bộ luật Hình sự có định nghĩa cụ thể hóa việc nợ, chiếm dụng BHXH cũng là trốn đóng BHXH nên nếu doanh nghiệp nợ BHXH sẽ bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, mức phạt về nợ BHXH trong dự thảo luật sẽ xử phạt như nộp thuế, ngoài mức xử phạt hành chính tối đa 150 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp về hành vi nợ BHXH, thì các doanh nghiệp còn bị phạt tiền lãi tương đương như tiền phạt chậm đóng thuế là 0,03%/ngày/số tiền nợ. Con số xử phạt sẽ tăng rất cao, đủ sức răn đe các doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại, thời gian qua, qua quá trình giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người lao động liên quan đến doanh nghiệp nợ BHXH cho thấy, người lao động vẫn đóng tiền BHXH đầy đủ, nhưng doanh nghiệp cố tình nợ, chiếm dụng, dẫn đến quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng.
Ông Đại đề xuất, cần có những chế tài xử lý cứng rắn hơn như bổ sung luật về rút, phong tỏa hóa đơn đối với những doanh nghiệp bị nợ BHXH. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của tổ chức Công đoàn, được khởi kiện doanh nghiệp khi để xảy ra nợ BHXH từ 6 tháng trở lên. Nếu để doanh nghiệp nợ BHXH càng lâu thì việc thu hồi và xử lý sẽ càng khó khăn. Đồng thời, pháp luật cần khái niệm và xác định rõ hành vi: nợ, chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng quỹ bảo hiểm để có cơ sở trong áp dụng quy định pháp luật.
Hiện nay, tổ chức Công đoàn phải có sự ủy quyền của người lao động mới khởi kiện doanh nghiệp. Nếu khởi kiện cá nhân thì chỉ giải quyết cho từng cá nhân, mỗi người là một vụ án. Trong trường hợp công ty đó có 1.000 lao động bị nợ BHXH sẽ là 1.000 vụ án, thủ tục, pháp lý sẽ rất khó khăn.
Nếu trong trường hợp Công đoàn có quyền khởi kiện trực tiếp chủ doanh nghiệp nợ thì 1 vụ án sẽ giải quyết cho 1.000 người lao động đang bị nợ. Đồng thời, cần bổ sung quyền của tổ chức Công đoàn được quyền đề nghị tòa án phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp để nợ BHXH từ 3 tháng trở lên.
Về giải pháp, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, để khắc phục tình trạng trên, ngành BHXH tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp như đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, thực hiện kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền. BHXH thành phố chủ động phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra, Công an, LĐLĐ thành phố và các cơ quan có liên quan thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, trong đó tập trung vào các đơn vị chậm đóng với số tiền lớn, thời gian kéo dài.
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ và căn cơ trong xây dựng chế tài xử phạt các doanh nghiệp nợ BHXH có tính răn đe nghiêm khắc, giúp doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nâng cao nhận thức về trách nhiệm trích nộp BHXH, hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động tốt hơn.
XUÂN HẬU - NGUYỄN QUANG