KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 - 1-8-2023)

Phát huy truyền thống hào hùng, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận

.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Công tác tuyên giáo của thành phố không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần vào thành tựu chung của thành phố trong nhiều năm qua. TRONG ẢNH: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh (thứ 3, bên phải sang) tặng giấy khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2022.Ảnh: PV
Công tác tuyên giáo của thành phố không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, góp phần vào thành tựu chung của thành phố trong nhiều năm qua. TRONG ẢNH: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh (thứ 3, bên phải sang) tặng giấy khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2022. Ảnh: PV

Căn cứ những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chọn ngày 1-8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng là việc rất có ý nghĩa, khẳng định truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của ngành đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Trong giai đoạn chiến tranh cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng đã chiến đấu khốc liệt dưới mưa bom, bão đạn. Mặc dù phải di chuyển cơ quan nhiều lần, lúc ở căn cứ miền núi, lúc ở vùng giáp ranh, lúc ở đồng bằng, lúc đi tiền phương, lúc về hậu cứ, lúc dựa vào nhà dân, lúc ở trong hang đá, lúc thiếu gạo, thiếu muối, thiếu cả sắn và rau rừng, “đói quay đói quắt”, hy sinh, tổn thất lực lượng khá lớn, nhưng đó là những năm tháng mà nhiều cán bộ, chiến sĩ của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đã ghi những mốc son trong truyền thống vẻ vang của công tác tuyên giáo thành phố.

Những tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên huấn, những bản tin của Thông tấn xã, những bài báo, bút ký, tùy bút, phóng sự, truyện ngắn, những bài thơ, tranh minh họa… trên báo “Giải phóng” và tạp chí “Văn nghệ giải phóng Quảng Đà”; những lời ca, điệu múa, tiếng đàn của các chiến sĩ văn công, phim ảnh của đội chiếu bóng… là những món ăn tinh thần không thể thiếu, có sức động viên, cổ vũ như hồi kèn xông trận, thúc giục các lực lượng cách mạng xông tới, nắm thắt lưng địch mà đánh, vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông đất nước, với một tinh thần là: Hễ còn một tên xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi.

Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt đó, những người làm công tác tuyên huấn đã lăn lộn trong phong trào, bám dân, bám đất, bám cơ sở, bám sát nhiệm vụ của Đảng giao, tích cực, năng động, sáng tạo, theo sát tình hình, tổ chức động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt, những thắng lợi vẻ vang mang tầm vóc thời đại.

Dưới mưa bom, bão đạn, với bao gian lao, thử thách, bao tổn thất, hy sinh, mất mát, nhưng những chiến sĩ Cộng sản trung kiên vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng và lập nên những chiến công vang dội. Có một nhà văn đã viết: “Nếu được phép minh họa lịch sử dân tộc thì không có dòng nào, trang nào khỏi vẽ một thanh gươm tự vệ tô đậm một màu máu”. Máu của biết bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống để giành giữ, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Những thắng lợi có tính lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương 93 năm qua, từ khi Đảng ra đời cho đến nay luôn là những mốc son chói lọi mà muôn đời chúng ta luôn lưu tâm ghi nhớ, tri ân, trong đó có những đóng góp to lớn, thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận tuyên giáo của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.

48 năm qua kể từ sau ngày giải phóng năm 1975 đến nay, kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ binh chủng Tuyên giáo đi trước, ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng không ngừng nỗ lực phấn đấu, mở rộng trận địa và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ mới.

Từ ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, ngành Tuyên giáo các cấp của thành phố cùng với các lực lượng liên quan trong binh chủng tư tưởng - văn hóa đã có nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn, thách thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Toàn ngành đã nghiên cứu, đề xuất và góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng của thành phố trên các lĩnh vực tư tưởng, lý luận, chú trọng gắn kết công tác tư tưởng với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề, sự kiện bức thiết của thành phố.

Sau khi đạt được một số thành tựu khá quan trọng qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong gần 4 năm qua, Đảng bộ thành phố tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, ngành tuyên giáo thành phố đã đẩy mạnh việc triển khai quán triệt, nghiên cứu nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW triển khai rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Công tác chính trị, tư tưởng luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, coi trọng đổi mới nội dung, hình thức; chủ động theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình tư tưởng chính trị và dư luận xã hội, nhất là đối với những vấn đề nổi cộm, phức tạp xảy ra trên địa bàn, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW trở thành công việc thường xuyên, từng bước đi vào chiều sâu; gắn với  Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm góp phần giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng.

Nhằm ghi nhận những đóng góp của toàn ngành Tuyên giáo thành phố trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng quê hương, đất nước và trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ngành Tuyên giáo của Đảng bộ thành phố: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010), cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tự hào về những thành tích đã đạt được, nhưng chúng ta cần phải nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm, bất cập của công tác tuyên giáo thành phố để tiếp tục phấn đấu khắc phục trong thời gian tới. Tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng cần phải thấy rằng, việc đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo còn chậm, chưa thật sắc bén và sinh động; tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hiệu quả của công tác tuyên giáo trên nhiều lĩnh vực chưa cao.

Công tác nghiên cứu, định hướng thông tin dư luận xã hội còn một số bất cập, nhất là trong xử lý những thông tin liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố; đội ngũ báo cáo viên các cấp chưa đủ mạnh, có tầm trí tuệ và nghệ thuật nói trước công chúng một cách thuyết phục, có chiều sâu, thúc giục mọi người hành động. Một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác tuyên giáo, như: công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, công tác giáo dục và phát huy truyền thống, công tác khoa giáo… tuy đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố trong tình hình mới.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc “làm theo” vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về việc học và làm theo lời Bác chưa đầy đủ. Những tấm gương điển hình tiến tiến làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vẫn chưa thật sự lan tỏa và thấm sâu trong đời sống xã hội...

Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên internet, mạng xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị còn bị động, tính thuyết phục chưa cao. Công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội về những vấn đề nổi cộm trên địa bàn thành phố chưa kịp thời. Công tác tổng kết thực tiễn, lý luận còn hạn chế; công tác định hướng, chỉ đạo báo chí có lúc chưa kịp thời, chưa đồng bộ…

Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc xây dựng, phát triển Đà Nẵng văn minh, giàu mạnh, bền vững đang đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố những yêu cầu mới, đòi hỏi mới ở tầm cao hơn. Trong đó, ngành Tuyên giáo thành phố là những chiến sĩ xung kích, là những người lính đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần phải phát huy trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh chính trị, khắc phục những hạn chế, bất cập, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời gian tới, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, công chức toàn ngành Tuyên giáo thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:

Một là: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, nhất là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đổi mới việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng hơn nữa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Công tác thông tin tuyên truyền, dự báo, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cần nhanh, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm.

Hai là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các mục tiêu, nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách của thành phố cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời phải biến nhận thức, tình cảm đó thành hành động cách mạng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố gắn với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ba là: Để làm tốt những nhiệm vụ nêu trên, cán bộ ngành Tuyên giáo các cấp, từ thành phố, đến quận, huyện, xã, phường, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng làm công tác tuyên truyền nói chung phải tiếp tục tìm tòi, đổi mới nội dung, phương thức công tác theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, nắm chắc tình hình, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể; chủ động thông tin, tăng cường đối thoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng công tác tuyên giáo. Ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên giáo trong thời kỳ mới, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến công tác tuyên giáo một cách chủ động, kịp thời.

2023 là năm tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của ban tuyên giáo các cấp trên địa bàn thành phố là tham mưu và tham gia giúp cấp ủy tổ chức tốt công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố; chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua.

Kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta tự hào về Đảng quang vinh, nhân dân Đà Nẵng anh hùng, tin tưởng sâu sắc ở sức mạnh công tác tư tưởng và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố đang ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng tin chắc rằng, với truyền thống vẻ vang của ngành 93 năm qua sẽ là động lực để trong thời gian tới, toàn ngành Tuyên giáo thành phố tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy những thuận lợi, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển của thành phố và đất nước, đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; bảo đảm quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo; xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là đô thị sinh thái, thông minh và là thành phố đáng sống của khu vực và châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

ĐOÀN NGỌC HÙNG ANH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.