Cảnh giác vạch trần những âm mưu đen tối

.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21-5 đến ngày 15-6-2018, Quốc hội đã bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó có công tác làm luật.

Trong các dự án luật trình Quốc hội xem xét thảo luận và thông qua lần này, có hai dự án luật được dư luận nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hết sức quan tâm là: dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu) và dự án Luật An ninh mạng.

Đây là hai dự án luật mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước cũng như bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội trong xu thế thời đại công nghệ thông tin, hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, trong khu vực và trên thế giới.

Bởi vậy, trước khi đưa hai dự án luật nói trên ra bàn thảo trước Quốc hội lần này, các cơ quan soạn thảo dự luật đã tiến hành rất nhiều công việc có liên quan để tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, của các nhà khoa học, các chuyên gia một cách nghiêm túc.

Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành các phiên chất vấn công khai các thành viên Ban soạn thảo các dự án luật nhằm làm rõ những vấn đề có liên quan đang được dư luận chú ý để tìm ra các giải pháp tốt nhất

Đặc biệt, các dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và dự án Luật An ninh mạng trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và tại các phiên thảo luận công khai đã được nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài quan tâm. Điều này thể hiện “khí thế hết sức sôi nổi, tinh thần yêu nước” của đồng bào và cử tri cả nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói bên lề kỳ họp Quốc hội.

Với lòng tin và trách nhiệm công dân, những ngày qua đã có rất nhiều tin nhắn, thư từ góp ý trên tinh thần xây dựng một cách cụ thể, chân tình, cởi mở của các tầng lớp nhân dân trong cả nước gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo các dự án luật…

Ngay sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét và sáng 11-6, Quốc hội bỏ phiếu quyết định cho lùi việc thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Điều này nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp tới đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững quốc phòng-an ninh và chủ quyền quốc gia.

Quyết định đó thể hiện rõ nội dung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, bảo đảm đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước”.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, trong đó nổi lên là tổ chức phản động Việt Tân, lợi dụng lòng yêu nước của người dân,  thông qua các trang mạng xã hội, chúng cắt xén có chủ ý các hình ảnh,  đưa ra những thông tin sai lệch, vu cáo trắng trợn tinh thần, mục tiêu và các điều khoản cụ thể trong dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu) và dự án Luật An ninh mạng.

Thông qua đó, chúng kích động dư luận, lôi kéo những phần tử quá khích và cả những người “nhẹ dạ cả tin” ở một số địa phương trong cả nước thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như:  Tổ chức tập hợp đông người tuần hành phản đối; gây rối nơi công cộng; đập phá trụ sở các cơ quan công quyền; thậm chí có âm mưu “gây nổ” để tạo ra tiếng vang và vu cáo chính quyền đàn áp  những người biểu tình… nhằm lôi kéo bên ngoài can thiệp vào nội bộ tình hình đất nước.

Đáng chú ý, ngày 9-6, hai đối tượng đang rải “tờ rơi” kêu gọi người dân tham gia biểu tình trái phép tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang và tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi in ấn tài liệu cũng như động cơ chính trị khi lợi dụng một vấn đề được nhân dân quan tâm để kêu gọi biểu tình nhằm gây rối loạn xã hội, phục vụ mưu đồ đen tối của các tổ chức phản động chống phá chính quyền.

Hay tại Bình Thuận, tối 10-6, lợi dụng tập hợp đông người, những người quá khích đã tràn vào trụ sở UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tấn công trực diện lực lượng bảo vệ, đập phá, ném bom xăng, đốt một số xe máy, ô-tô..., buộc lực lượng Công an phải dùng vòi rồng, hơi cay để đẩy lùi những người quá khích và tạm giữ nhiều người để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hay trên địa bàn Đà Nẵng cũng có một nhóm người tụ tập, có những hành vi gây rối, đã bị tạm giữ…
Rõ ràng, những hành vi kêu gọi biểu tình trái phép hay tổ chức các vụ tụ tập đông người, âm mưu gây các vụ nổ, các vụ gây rối là cố tình làm mất an ninh trật tự, xáo trộn đời sống của mọi người, chống  chính quyền một cách chủ ý. Đó là những  hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh.

Bởi các toan tính đó của họ thực sự không thực tâm trong việc góp ý xây dựng chính quyền, tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật trên tinh thần trách nhiệm của một công dân yêu nước chân chính mà là lợi dụng lòng tin và tinh thần yêu nước của người dân để mưu toan làm cho chính quyền không ổn định, khiến lòng dân không yên nhằm thực hiện các âm mưu lớn hơn là lật đổ chính quyền mà thôi.

Chính vì vậy, cán bộ, nhân dân chúng ta phải hết sức đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không mắc mưu với những lời rêu rao, kích động của tổ chức  phản động Việt Tân, cũng như những phần tử bất mãn, phản động khác trên các trang mạng xã hội, hay “rỉ tai” nhau để bị cuốn theo những hoạt động sai trái, rồi có những hành vi vi phạm pháp luật... là vô cùng nguy hiểm cho bản thân và cả cộng đồng.

Mặt khác, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng… phải nhanh chóng vạch trần những âm mưu, thủ đoạn đen tối đó của các thế lực thù địch; vận động, tuyên truyền, giải thích  cho các tầng lớp nhân dân, nhất là sinh viên, học sinh, công nhân lao động... hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh cũng như những dự án luật.

Đồng thời thông qua đó để huy động mọi người cùng tham gia đấu tranh  phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn sự ổn định an ninh - trật tự và bảo đảm cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà.

Chúng ta có quyền tin tưởng rằng, Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan soạn thảo các dự án luật cũng như cả hệ thống chính trị cả nước ta đã, đang và sẽ hành động trên tinh thần trách nhiệm cao nhất là vì dân, vì lợi ích quốc gia lên trên hết. Mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn hướng đến xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giàu mạnh và toàn vẹn lãnh thổ.

Tuyết Minh

;
.
.
.
.
.
.