Ngày 27-5, Đà Nẵng được vinh danh lần thứ 2 liên tiếp là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards” năm 2023.
Đây không phải lần duy nhất thành phố được vinh danh liên tiếp tại các giải thưởng, bảng xếp hạng chuyển đổi số. Trước đó, Đà Nẵng 2 năm liền (2020-2021) xếp hạng Nhất chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam.
Thời gian qua, chuyển đổi số với 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số tại Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối tháng 4-2023, toàn thành phố đạt tỷ lệ 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%); tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 78% (chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%); tích hợp được 1.652 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Khoảng 70.000 người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố. Kinh tế số Đà Nẵng năm 2022 chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu GRDP thành phố với 17,5%, tăng khoảng 5% so với cuối năm 2021.
Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, tăng khoảng 200 doanh nghiệp so với cuối năm 2022. Về xã hội số, mỗi người dân trung bình có 2 tài khoản mạng xã hội; có mã ID gắn với hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có mã ID gắn với hồ sơ học bạ điện tử; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh của thành phố đến cuối năm 2022 đạt 92,67% (tăng hơn 7% so với năm 2021)...
Để Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi vào cuộc sống, ngày 8-2-2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 10/QĐ-BCĐ về ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Đà Nẵng.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành các chủ trương thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đến nay, Đà Nẵng xây dựng các hạ tầng viễn thông, giao thông, năng lượng; cùng với đó là chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực đến năm 2030. Chủ trương của thành phố là hội nhập quốc tế, song song phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên.
Những giải thưởng và kết quả trên phần nào cho thấy hướng đi đúng đắn trong kế hoạch tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số của thành phố. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, chuyển đổi số hay Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực..., nhất là dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa bảo đảm độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp.
Có thể thấy, khó khăn là luôn hiện hữu, song nắm bắt các cơ hội, lợi thế sẵn có để tăng tốc, bứt phá trong thời gian đến về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là điều Đà Nẵng đã và đang đặt quyết tâm thực hiện cao nhất. Tại hội thảo chuyển đổi số với chủ đề “Dữ liệu số - thách thức và định hướng” do UBND thành phố tổ chức ngày 26-5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định: “Chuyển đổi số là động lực mới, tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị chuyển đổi số mang lại”. Bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Đà Nẵng sẽ từng bước gặt hái thêm nhiều quả ngọt trong công cuộc số hóa, hướng đến mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.
MAI QUẾ