Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngày càng nhiều người chọn đọc sách điện tử bên cạnh sách giấy. Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính, người đọc có thể tiếp cận với vô số sách điện tử đủ ngôn ngữ.
So với sách giấy, sách điện tử có nhiều ưu thế trong việc quản lý và lưu trữ. Toàn bộ “kho” sách điện tử có thể được chứa trong chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Muốn mua quyển nào, người đọc chỉ cần trả tiền (bằng các phương thức thanh toán điện tử) rồi tải xuống. Các sách đã mua được lưu kèm với tài khoản người dùng, khi cần tìm lại chỉ cần gõ từ khóa tiêu đề vào khung tìm kiếm. Do đó, sách điện tử được xem là một lựa chọn tốt đối với những người ham đọc sách nhưng phải thường xuyên di chuyển, hoặc những người không có không gian để cất giữ sách giấy.
Một lợi thế nữa của sách điện tử (có bản quyền) là thường được bán với giá thấp hơn sách giấy. Bắt đầu làm quen với sách điện tử từ lúc là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, chị Phạm Nguyễn Mỹ Triều (SN 1995, quận Hải Châu) chia sẻ: “Các trang thương mại điện tử thường tung ra nhiều đợt giảm giá mạnh cho sách điện tử quanh năm nên việc mua được sách hay với giá chỉ… vài nghìn đồng không khó. Thậm chí, khi không phải đợt giảm giá thì sách điện tử vẫn rẻ hơn sách giấy 30 - 50%”. Thường phải di chuyển vì lý do công việc, anh Phạm Đức Linh (SN 1989, quận Hải Châu) thường chọn đọc sách điện tử thay cho sách giấy. Theo anh Linh, rất nhiều đầu sách nước ngoài chỉ được xuất bản dưới dạng sách điện tử, hoặc được xuất bản thành sách giấy nhưng lại chưa phát hành ở Việt Nam. “Đối với tôi, dùng máy đọc sách điện tử là cách tiện lợi và tiết kiệm nhất để cập nhật tủ sách của mình”, anh Linh nói.
Trên thị trường hiện nay không thiếu các loại máy chuyên dùng để đọc sách điện tử như Kindle, Nook Reader, Sony Reader, Kobo... Khác với điện thoại thông minh hay máy tính bảng, những chiếc máy đọc sách nằm trong mức giá khoảng 3 - 6 triệu đồng này thường có màn hình nhỏ gọn, tuổi thọ pin cao và sử dụng công nghệ mực điện tử không gây hại cho mắt. Đa phần các máy đọc sách đều cho phép người đọc tìm kiếm từ khóa, đánh dấu trang, ghi chú, chia sẻ các trích đoạn lên mạng xã hội... Vì những tiện ích này, đối với nhiều người trẻ, sách giấy chỉ còn giá trị về mặt cảm nhận thể chất hoặc sưu tập.
Ở Việt Nam, thị trường sách điện tử được đánh giá là chưa phát triển xứng với tiềm năng. Theo Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, thị trường sách điện tử bắt đầu hình thành tại Việt Nam từ khoảng năm 2010 với những “người tiên phong” là các công ty công nghệ thông tin như Lạc Việt (SachbaoVN), VINAPO (Alezaa), VEGA (Waka). Trong hai năm tiếp theo, một số nhà xuất bản (NXB) sách cũng gia nhập thị trường như NXB Phương Nam (Komo), NXB Trẻ (YBOOK), NXB Tổng hợp (Sachweb). Đến năm 2015, hai đơn vị chuyên phát hành sách là Tiki (Miki) và Vinabook (Vinabook) cũng tham gia. Dù có các đơn vị ở ba lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất bản và phát hành nhưng thị trường sách điện tử vẫn gặp nhiều rào cản do chi phí đầu tư kỹ thuật – công nghệ lớn và nạn sách lậu (không bản quyền) tràn lan.
Tại buổi chia sẻ về sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết sách điện tử lậu đang là nỗi lo với các nhà xuất bản. “Bây giờ chỉ cần lên google gõ “ebook miễn phí” là có thể tiếp cận với hàng trăm ngàn tựa sách được cung cấp miễn phí hoặc thu phí rất thấp, có thể được tải về máy tính dưới định dạng PDF hay bản scan. Nhiều người chẳng quan tâm liệu các trang web tổng hợp này có được phép xuất bản hay phát hành từ cơ quan chức năng chưa. Nội dung sách như thế nào cũng không ai chịu trách nhiệm”, ông Lâm nói.
KHANG NINH