Thị trường cuối năm 2017 có những biến động do ảnh hưởng thời tiết cũng như việc tăng giá đầu vào một số mặt hàng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến giá cả các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết bị tác động theo chiều hướng tăng. Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan, động viên doanh nghiệp (DN) chủ động nguồn hàng Tết, tránh tăng giá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan, động viên doanh nghiệp chủ động nguồn hàng Tết. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị BigC. Ảnh: XUÂN DUYÊN |
Từ tháng 10 đến tháng 11-2017, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước bị ảnh hưởng mưa, bão, lũ lụt kéo dài nên giá cả, nhất là thực phẩm thiết yếu, liên tục tăng giá như hàng rau hành, laghim, củ, quả...
Nguồn cung các mặt hàng từ các tỉnh, thành phố phía nam và phía bắc về các chợ Đà Nẵng giảm đáng kể (có thời điểm chỉ bằng 1/4-1/5 so với bình thường) do bị ngập úng, hư hỏng. Sản lượng thấp làm giá cả một số mặt hàng tăng mạnh 20-50%, một số loại rau tăng cao đến 100-150%.
Sang tháng 12, thị trường dần ổn định và sôi động hơn các tháng trước, do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng trở lại; đồng thời mặt bằng giá mới được thiết lập bởi giá nguyên nhiên liệu như xăng, dầu, gas, điện được điều chỉnh tăng.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Công thương đã phối hợp các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối chủ động tổng hợp, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018.
Đến thời điểm này, tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất khoảng 829,5 tỷ đồng. Trong đó, 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối chủ lực tại Đà Nẵng tham gia dự trữ cùng thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn.
Tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tham gia dự trữ gồm: 200 tấn gạo, nếp các loại; gần 750 tấn thịt các loại; gần 145 tấn rau củ quả các loại; gần 450 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô..., giá trị gần 180 tỷ đồng.
Riêng thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn của thành phố như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Siêu thị Nguyễn Kim, chợ Hòa Khánh và chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước khoảng 150 tỷ đồng. Thương nhân kinh doanh tại hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh cũng tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng.
Việc tổ chức bán thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán có sự tham gia của một số DN sản xuất, phân phối có năng lực trên địa bàn thành phố, dự kiến bán phục vụ tại 15-20 điểm bán tập trung tại các chợ gần khu dân cư, trong 2-3 ngày giáp Tết, từ ngày 13 đến 15-2-2018 (nhằm ngày 28 đến 30 tháng Chạp), giá bán được niêm yết công khai hằng ngày tại các điểm bán hàng và cam kết bán bằng giá xuất tại lò mổ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức 1 phiên chợ Tết phục vụ công nhân (trong 3 ngày, 2 đêm) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với khoảng 40 gian hàng, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết gồm: bánh kẹo các loại, nước giải khát, thực phẩm chế biến, đồ khô, quần áo...; đồng thời, áp dụng thêm các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm phục vụ công nhân.
Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh; nếu nguồn hàng dự trữ bảo đảm thì giá cả sẽ ổn định. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị BigC. |
UBND thành phố cũng khuyến khích các DN có năng lực thực hiện chương trình bán hàng Tết với giá bình ổn phục vụ nhân dân, tại hệ thống phân phối của đơn vị trên địa bàn thành phố và có cơ chế hỗ trợ. Năm nay, Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng lên kế hoạch chuẩn bị phục vụ Tết từ rất sớm với số lượng hàng thiết yếu tăng 2-4 lần (tương đương khoảng 600 tấn hàng hóa trị giá 60 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước). Các nhóm hàng được tập trung như: bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, bia, rượu, lương thực, rau củ quả, thời trang, đồ dùng gia đình và hóa mỹ phẩm...
Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart cho hay: “Chúng tôi luôn chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5-10% so với các mặt hàng cùng loại. Những ngày cận Tết, Co.opMart Đà Nẵng sẽ cùng một số nhà cung cấp giảm giá thêm hàng nghìn sản phẩm đặc trưng với mức khuyến mãi 10-50%, kết hợp các dịch vụ tiện ích để giúp khách hàng mua sắm đầy đủ và tiết kiệm. Chúng tôi cũng tham gia 2 chuyến hàng Việt phục vụ bà con các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang. Chúng tôi kỳ vọng sức mua của người dân tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Đánh giá về sự chuẩn bị dự trữ nguồn hàng Tết năm nay, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: “Lượng hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, phong phú. Năm nay, Sở chủ trương không thực hiện chương trình bình ổn giá thịt heo, chỉ tổ chức các điểm bán thịt heo, hỗ trợ kinh phí, điểm bán cho 2 đơn vị cung cấp thịt heo phục vụ nhu cầu dùng tăng cao dịp Tết. Song song với việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết”.
829,5 tỷ đồng là tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Trong đó, 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối chủ lực tham gia dự trữ cùng thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH