Đánh thức tiềm năng du lịch ở Hòa Bắc

.

Cách trung tâm thành phố về phía tây bắc khoảng 40km, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đang được nhiều người mê du lịch “bụi” (phượt) tìm đến. Vùng đất này dần trở thành điểm đến hấp dẫn và mang sắc thái riêng.

Một buổi dạy tiếng Anh cho người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí của nhóm cộng đồng hỗ trợ dự án. (Nguồn: Facebook Du lịch cộng đồng Cơ tu Hòa Bắc)
Một buổi dạy tiếng Anh cho người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí của nhóm cộng đồng hỗ trợ dự án. (Nguồn: Facebook Du lịch cộng đồng Cơ tu Hòa Bắc)

Cách đây khoảng hơn chục năm, ở Hòa Bắc có một đơn vị đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dự án này sớm bị “chết yểu”. Những tưởng tiềm năng du lịch của Hòa Bắc sẽ ngủ yên nhưng rồi cơ hội phát triển du lịch cộng đồng nơi đây được đánh thức mạnh mẽ. Năm 2015, một nhóm nghiên cứu đề xuất ý tưởng thực hiện dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”, do Hội Nông dân huyện Hòa Vang đứng tên.

Khai thác, phát triển du lịch cộng đồng  

Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí có vị trí địa lý đặc thù và tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Là vùng đệm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã, Tà Lang - Giàn Bí được hình thành từ những dãy núi với độ cao trung bình 200m so với mặt nước biển và các dòng sông, suối, tạo ra những thác ghềnh tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng.

Ở Tà Lang và Giàn Bí hiện có nhiều thuận lợi, từ hệ thống giao thông, đến cơ sở hạ tầng điện, nước, mạng điện thoại di động. Tình hình an ninh trật tự bảo đảm, không xuất hiện tệ nạn xã hội. Khu tái định cư Tà Lang, Giàn Bí đang được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trở thành cụm dân cư khang trang, tạo điều kiện cho các hộ dân có thể đón nhận khách lưu trú thường xuyên. Đây là những yếu tố quan trọng để hoạt động du lịch cộng đồng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, mô hình du lịch cộng đồng ở Tà Lang - Giàn Bí đang được sự hỗ trợ của một số hạng mục bởi dự án góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã, kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Dù vậy, những thuận lợi này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa được quan tâm khai thác.

Song, cái khó ở Tà Lang và Giàn Bí là người dân địa phương đa số nghèo, chủ yếu làm nông và khai thác các sản phẩm từ rừng. Thêm vào đó, nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường còn hạn chế, xem rừng là ưu đãi của thiên nhiên nên khai thác quá mức để giải quyết kế sinh nhai. Trình độ dân trí hạn chế, cơ sở vật chất hiện tại của các hộ gia đình chưa bảo đảm để đón khách lưu trú; lao động có trình độ thấp nên khó khăn trong việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với du khách nước ngoài; chưa có sản phẩm, sản vật đặc trưng để thu hút du khách; vệ sinh môi trường, vệ sinh sinh hoạt chưa bảo đảm.

Đề án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí” hướng đến mục tiêu làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch của thôn. Đề án khai thác các mảng tài nguyên du lịch văn hóa, phong tục tập quán, các sản phẩm của cộng đồng dân cư với các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, sản phẩm nghề thủ công, ẩm thực truyền thống…, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống của chính cộng đồng người Cơ tu. Đề án cũng hướng đến việc thu hút các nguồn vốn và lao động của thôn vào hoạt động du lịch; mở rộng hoạt động du lịch để tăng việc làm, tăng nguồn thu cho người dân, trên cơ sở đó tổ chức tốt việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch bền vững.  

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Theo bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng ở Tà Lang và Giàn Bí, xã đã đi khảo sát, sắp tới sẽ thuê người từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) về truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống cho khoảng 30 chị em ở 2 thôn nói trên; đồng thời cũng đã đưa người dân 2 thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm, trải nghiệm về việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc.

Nhằm hiện thực hóa đề án, xã đã thành lập các tổ văn nghệ (múa cồng chiêng), ẩm thực và đan lát ở cả hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Ngoài việc hướng đến bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn xã, cốt lõi nhất của đề án là bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ tu ở Tà Lang, Giàn Bí. “Nhận thức được điều này, xã đã vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức nhiều mô hình, chương trình hằng năm để duy trì các hoạt động, lễ hội văn hóa Cơ tu”, bà Hà nói. Cái khó nữa, hiện cộng đồng Cơ tu ở xã Hòa Bắc có số lượng khá ít (so với tỉnh Quảng Nam), với trên 200 hộ ở cả hai thôn nên nguy cơ bị mai một văn hóa là điều đáng quan tâm.

Cũng theo bà Hà, tận dụng thế mạnh của địa phương, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các chuyên gia kinh tế tâm huyết và cả nhóm cộng đồng mạng xã hội (Facebook) “Du lịch cộng đồng Cơ tu Hòa Bắc”, hy vọng trong thời gian đến, xã Hòa Bắc nói chung và các thôn Tà Lang, Giàn Bí nói riêng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong mô hình du lịch cộng đồng mà đề án đang xây dựng. Bởi như đề án phân tích, du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những sản phẩm quan trọng, có sức hấp dẫn mạnh đối với khách du lịch quốc tế và nội địa. Đối với Đà Nẵng, sản phẩm du lịch nói chung rất đa dạng và chất lượng. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm thuộc loại hình du lịch văn hóa cộng đồng thì hầu như chưa có sản phẩm và chưa có điểm đến nào, trong khi đây là xu hướng du lịch đang phát triển hiện nay, được yêu thích đặc biệt đối với thị trường châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và nhóm đối tượng học sinh - sinh viên.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.