Ngày 4-12-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg.
Đến nay, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, tác động lớn đến sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Do đó, thành phố cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung với quan điểm mở rộng không gian đô thị, phát triển đô thị tích hợp.
Xây dựng khu đô thị cao cấp hướng biển là vấn đề Đà Nẵng cần nhìn nhận đúng đắn trong mở rộng không gian đô thị. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Kiến trúc sư (KTS) Lê Tự Gia Thạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cho biết, những tác động đến đồ án quy hoạch chung thể hiện ở việc chưa nghiên cứu phát triển kinh tế biển tại khu vực Vịnh Đà Nẵng và các khu vực lân cận vốn có diện tích không gian lớn, nhiều tiềm năng về lợi thế phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành du lịch của thành phố đang phát triển mạnh mẽ, tốc lực tăng trưởng cao cùng với sự phát triển của nhiều loại hình lưu trú, trong đó loại hình căn hộ khách sạn (condotel) với việc đầu tư xây dựng hạ tầng ở một số khu vực không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Khu vực bán đảo Sơn Trà có giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, độc đáo, nên cần có định hướng quy hoạch mới theo hướng bảo tồn phát triển.
Qua cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn diễn ra hồi năm ngoái, cần xây dựng tầm nhìn tổng thể và bền vững, kiến tạo cảnh quan không gian đô thị mang bản sắc và tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho thành phố. Ở khu vực phía tây vùng Hòa Vang có lợi thế phát triển du lịch, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên cần nghiên cứu phát triển theo hướng hình thành khu vực đô thị vệ tinh và các phân khu đô thị chức năng. Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phát triển các khu công nghiệp nên cần điều chỉnh quy hoạch để tạo tính kết nối mạng lưới giao thông chính với cảng biển.
Ý tưởng phát triển đô thị lấn biển được nhiều chuyên gia và ngành chức năng của thành phố đề xuất. |
Hiện nay, các phương tiện giao thông cá nhân, vận tải du lịch phát triển nhanh dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực trung tâm thành phố, khu vực ven biển… Do đó, quy hoạch phát triển giao thông được ưu tiên theo hướng nghiên cứu phát triển không gian đô thị ngầm, giao thông ngầm, giao thông công cộng, giao thông đường thủy, đường hàng không và kết nối giao thông với các địa phương trong khu vực.
KTS Lê Tự Gia Thạnh cho rằng, các vấn đề nêu trên dù chưa được xác định hoặc xác định chưa rõ trong đồ án quy hoạch chung nhưng đã trở thành cấp thiết trong yêu cầu phát triển đô thị. Việc giải quyết các vấn đề trên sẽ tác động lớn đến quy mô, hình thái, cấu trúc và chất lượng đô thị Đà Nẵng.
Nhiệm vụ bổ sung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được xác định theo 2 trụ cột: quy hoạch phát triển không gian đô thị và phát triển đô thị thông minh - tích hợp. Việc quy hoạch mở rộng không gian được tiếp cận theo các ý tưởng lấn biển trên cơ sở bảo đảm yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên thông qua hình thành các khu đô thị cảng, khu kinh tế biển ở khu vực phía bắc; ý tưởng di dời sân bay Đà Nẵng sau năm 2050, hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch hệ thống sân bay khu vực miền Trung. Phát triển ý tưởng phát triển đô thị theo xu thế hiện đại như đô thị xanh, đô thị nén, phát triển quảng trường trung tâm thành phố, thực hiện ý tưởng phát triển không gian ngầm.
Việc phát triển đô thị thông minh, tích hợp các yếu tố quy hoạch khai thác tài nguyên theo hướng bảo vệ cảnh quan môi trường cũng được tiếp tục đặt ra. Trong đó, phát triển đô thị thông minh đã được triển khai theo đề án Phát triển hệ thống đô thị giai đoạn 2016-2020 về hạ tầng thông tin và quản lý đô thị.
Các ý tưởng đề xuất bổ sung quy hoạch đô thị * KTS Hoàng Quang Huy, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng: Quy hoạch phát triển thành phố có đặc trưng Xây dựng thành phố Đà Nẵng phải hướng đến đô thị có đặc trưng riêng thông qua phát triển, thu hút đầu tư các ngành kinh tế mũi nhọn. Việc cần làm ngay là rà soát quy hoạch, phân định các phân khu chức năng hợp lý, mở rộng không gian trung tâm thành phố. Quy hoạch các trục hành lang phát triển ngành tài chính, thương mại theo mô hình phát triển đô thị nén, có hệ thống giao thông ngầm hiện đại. Phát huy cảnh quan thiên nhiên mà tổ chức đô thị hướng sông, ra biển; kéo dài bờ sông, bờ biển. Quy hoạch không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới. * TS.KTS Lê Thị Ly Na, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng: Quy hoạch đô thị Đà Nẵng mang tầm chiến lược Việc quy hoạch đô thị mang tầm chiến lược cho thành phố Đà Nẵng còn nhiều thách thức. Triển khai quy hoạch chiến lược là một đại công trình, hội tụ tâm và tài của nhiều chuyên gia nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Về tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị hiện nay, cần hướng đến tổ chức kiến trúc cảnh quan đa chức năng, thỏa mãn nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. * Th.S - KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Nam: Lấn biển phía đông và phía bắc Xây dựng trung tâm thành phố với ý tưởng lấn 300ha đất mặt nước khu vực biển phía đông trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp với kích thước 3.000 x 1.000m. Tại đây bố trí quảng trường biển rộng lớn, phát triển các tổ hợp công trình nhà cao tầng phục vụ thương mại, khách sạn... Xây dựng đô thị trung tâm khu vực phía bắc với việc mở rộng trục giao thông kết nối nhà ga đường sắt mới kết nối với hoạt động lấn biển để xây dựng quảng trường. Xây dựng khu vực trung tâm đô thị phía nam với việc sử dụng 150ha sân bay Nước Mặn để hình thành khu đô thị cao cấp hướng biển. Giải pháp quy hoạch này giải quyết được bài toán trung tâm thành phố ở đâu và khai thác ngay được quỹ đất 150ha sân bay Nước Mặn để xây dựng ngay khu đô thị cao cấp hướng biển. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG