Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính chọn Đà Nẵng làm nơi đặt văn phòng đại diện (ngoài 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Giới kinh doanh chung nhận định: Đà Nẵng hiện là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển tốt dịch vụ tài chính với môi trường kinh doanh đang được cải thiện đáng kể cùng các chính sách hỗ trợ hấp dẫn từ chính quyền…
Cuối tháng 12-2017, KPMG - một DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính - mua bán DN và thẩm định tài chính chính thức mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Đây là DN được thành lập từ năm 1994 với văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và lần này là tại Đà Nẵng. KPMG được Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam công nhận là công ty kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam, dẫn đầu về doanh thu, số lượng khách hàng và số lượng kiểm toán viên đạt chuẩn.
Công ty TNHH BPO.MP cũng vừa khai trương văn phòng tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Đây là liên doanh giữa Công ty TNHH Minh Phúc với Công ty JP Media Direct và Công ty Nishikawa Communications (Nhật Bản), có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, chuyên hoạt động ở lĩnh vực nhập liệu và dữ liệu, dịch vụ gia công tài chính/kế toán…
Về lý do lựa chọn đối tác Việt Nam và mở chi nhánh tại Đà Nẵng, ông Nakashima Naoki - Giám đốc điều hành Công ty JP Media Direct cho biết, xu hướng các DN Nhật Bản lựa chọn Đà Nẵng để đầu tư là do chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng (đặc biệt về hạ tầng, luôn bảo đảm theo tiêu chuẩn của khách hàng). Bên cạnh đó, chính quyền thành phố luôn có nhiều chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyên ngành, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời, Đà Nẵng cũng có các yếu tố có sức cạnh tranh và hấp dẫn khác như việc di chuyển thuận lợi và nhất là có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Nhật Bản… “Mục tiêu phát triển của công ty là kết hợp ưu thế của hai nền văn hóa Việt - Nhật, tận dụng thế mạnh của DN hai nước nhằm cung cấp các dịch vụ BPO đạt chất lượng quốc tế cho các khách hàng tại Việt Nam và trên thế giới. Việc thành lập công ty liên doanh BPO.MP (gồm 3 công ty, trong đó có 2 công ty của Nhật Bản và 1 đơn vị Việt Nam) sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt - Nhật, thúc đẩy sự phát triển của ngành BPO Việt Nam, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước”, ông Nakashima Naoki nhấn mạnh.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều DN hoạt động lĩnh vực tài chính hiện diện góp phần định hình và phát triển dịch vụ tài chính tại Đà Nẵng hướng đến sự chuyên nghiệp, bắt kịp xu thế của hai đầu đất nước cũng như thế giới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà thành phố đề ra tại Đề án phát triển dịch vụ tài chính thành phố Đà Nẵng đến năm 2020; trong đó nêu rõ phấn đấu đến năm 2020 Đà Nẵng có 5-10 DN cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính đến người dân và DN…
Sau 3 năm triển khai đề án nói trên, theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn thành phố có 4-5 DN, chi nhánh công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn tài chính. Đại diện Sở Tài chính cho biết, năm 2017, ngân sách Nhà nước đã chi gần 21 tỷ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động liên quan đến ngành dịch vụ trong “Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến 2035”, trong đó có dịch vụ tài chính. Năm 2018, con số này nâng lên gần 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Tài chính đã gửi văn bản đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư báo cáo UBND thành phố về việc xây dựng quy hoạch khu phố tài chính, tòa nhà tài chính.
Thời gian gần đây, Đà Nẵng đón nhiều luồng gió đầu tư từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đi cùng quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ tài chính. Chính quyền thành phố cũng cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chào đón và hỗ trợ các tập đoàn, DN, doanh nhân đầu tư. Vì vậy, sự có mặt của các nhà đầu tư sẽ góp phần giúp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của khu vực miền Trung thành hiện thực.
MẪU ĐƠN