Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu hút đầu tư

.

Sau hơn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và 15 năm được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị trí một đô thị lớn của cả nước. Đây là thành quả từ việc thành phố xác định bước đi đúng hướng, nhanh chóng và kiên trì trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế kèm với việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn giúp Đà Nẵng có bước chuyển mình đáng kể. (Ảnh chụp tại Công ty CP phát triển công nghệ Asia Tech)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế kèm với việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn giúp Đà Nẵng có bước chuyển mình đáng kể. (Ảnh chụp tại Công ty CP phát triển công nghệ Asia Tech)

Với “cú hích” từ Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với lợi thế sẵn có, thành phố tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 1997, cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp lần lượt là: 55,1% - 35,2% - 9,7%; đến năm 2010 có thay đổi: 56,7% - 40,3% - 3,0% và đến 2015 định hình với tỷ lệ 62,6% - 35,3% - 2,1%.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 1997-2017 liên tục đạt và vượt dự toán: năm 1997 chỉ đạt hơn 1.164 tỷ đồng, đến năm 2017 tăng lên hơn 23.379 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng dần qua từng năm, với mức tăng bình quân 9,4%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng và đúng hướng giúp thành phố tập trung mọi nguồn lực để khai thác và phát triển những thế mạnh vốn có về tài nguyên và nguồn nhân lực; trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp phần mềm.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, Đà Nẵng hiện xếp thứ 17 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xếp thứ 8 cả nước về số dự án FDI. Dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố thời gian qua chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản kết hợp du lịch (1,1 tỷ USD), công nghiệp (447 triệu USD), dịch vụ (300 triệu USD) và lĩnh vực có số vốn đầu tư thấp nhất là nông, lâm, thủy sản (1,9 triệu USD).

Ngành du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình. Năm 1997, thành phố chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng. Đến nay, Đà Nẵng đã có hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới như: InterContinental Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury...

Hàng loạt sản phẩm du lịch được đầu tư đa dạng và có sức hấp dẫn, trở thành điểm đến thu hút khách như: lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Châu Á... Sau 20 năm, thành phố có 76 dự án đầu tư vào du lịch với tổng số vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài và 59 dự án đầu tư trong nước. Nguồn doanh thu dịch vụ du lịch (khách sạn và lữ hành) tăng dần qua các năm, năm 1997 chỉ 129 tỷ đồng,  đến hết năm 2017 hơn 15.000 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch biển Vinacapital bày tỏ, định hướng phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý, góp phần khai thác những lợi thế không phải địa phương nào cũng có được; đồng thời cộng hưởng, hỗ trợ tích cực cho các ngành, nghề khác. Chính ngành du lịch đã giúp Đà Nẵng được cả thế giới biết đến và hướng đến mục tiêu sẽ là nơi mà các du khách “phải đến một lần trong đời”.

Cùng với du lịch, dịch vụ, một trong những thành tựu của thành phố trong thời gian qua là hình thành ngành công nghiệp phần mềm và từng bước khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách thành phố.

Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm thành phố nhận định, cách đây 10 năm, nguồn nhân lực của ngành CNTT trên địa bàn Đà Nẵng chỉ có 300 người, đến nay đã tăng lên gần 10.000 người. Doanh thu của toàn ngành năm 2003 là con số 0, nhưng đến hết năm 2017 là 15.000 tỷ đồng, riêng công nghiệp phần mềm đóng góp 3.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software cho rằng, ngành CNTT - trong đó có công nghiệp phần mềm của Đà Nẵng - có những bước tiến vượt bậc cả về doanh thu, quy mô, nguồn nhân lực lẫn chất lượng dịch vụ.

Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã vươn mình trở thành trung tâm lớn của cả nước trong lĩnh vực này, là điểm đến uy tín và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Phương, cách đây khoảng hơn 10 năm, Đà Nẵng chỉ có một vài doanh nghiệp CNTT với nguồn nhân công tầm 100-200 người, nay thành phố đã có những doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 lao động.

Không chỉ sản xuất, thành phố đã xuất khẩu phần mềm ra các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan... và nhiều đối tác tìm đến đặt mối quan hệ giao thương. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang dần trở thành “thành phố khởi nghiệp” hấp dẫn, là điểm dừng chân đối với nhiều bạn trẻ giỏi về công nghệ trong và ngoài nước.

Với định hướng thu hút đầu tư hiệu quả, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt giúp thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, chế biến thủy sản, lĩnh vực công nghệ...

Các dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, tư vấn, bưu chính, viễn thông, y tế... phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đà Nẵng xác định một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 đó là: tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.000 - 4.500 USD; cơ cấu GRDP: dịch vụ 63 - 65%; công nghiệp - xây dựng 35 - 37% và nông nghiệp 1 - 2%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,5 - 10,5%/năm.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.