Tăng dần tàu công suất lớn, giảm tàu công suất nhỏ, chú trọng chất lượng hải sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… là hướng đi ngành thủy sản quận Thanh Khê đã và đang thực hiện.
Tàu vỏ thép của ông Đào Ngọc Minh Tâm sau khi hạ thủy đã bám biển dài ngày ở Hoàng Sa để khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền. |
Giữa năm 2017, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông) hạ thủy tàu vỏ thép trị giá trên 17 tỷ đồng, được đóng mới theo nguồn vốn từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tàu được thiết kế hiện đại với nhiều công năng, có trang bị đầy đủ hệ thống định vị, máy dò cá, hầm cấp đông.
Sau khi hạ thủy, ông Tâm bắt đầu vươn khơi tại ngư trường Hoàng Sa. Dù trong thời gian này các tàu vỏ thép khu vực miền Trung gặp nhiều trục trặc, nằm bờ, nhưng tàu ông Tâm vẫn đánh bắt hiệu quả, có lợi nhuận, tạo được niềm tin cho ngư dân Đà Nẵng vào con tàu vỏ thép.
Đặc biệt, cũng trong năm 2017, tàu cá ĐNa 90351 của ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đi 10 chuyến biển, mang về khoảng 60 tấn hải sản, đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng. Ông Chiến có hơn 25 năm bám biển nên thuộc lòng từng con nước.
Tuy nhiên, việc đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn, một phần vì thời tiết, phần nhiều vì tàu nước ngoài quấy nhiễu, nên ông Chiến đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng hải sản để giảm thời gian khai thác.
Chính vì vậy, những chuyến biển của ông những năm gần đây đều ngắn ngày, chất lượng hải sản tốt, giá thành cao. “Mỗi người lao động sau mỗi chuyến biển trở về đều rất phấn khởi vì bảo đảm thu nhập. Vì vậy, họ luôn gắn bó với tàu cá của mình”, ông Chiến cho hay.
Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, đến cuối năm 2017, toàn quận có 108 chiếc tàu công suất từ 20CV trở lên. Trong năm 2017, có 3 tàu cá đóng mới công suất từ 800CV trở lên được hạ thủy và đi vào hoạt động; 1 tàu cá công suất trên 400CV mua mới từ địa phương khác về và nhiều tàu cá cải hoán, nâng cấp thành tàu cá công suất lớn trên 400CV.
Đặc biệt, hiện nay, số lượng tàu có công suất từ trên 200CV đến 1.300CV có khoảng 60 chiếc. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 của quận đạt 6.900 tấn, giá trị khai thác đạt 345 tỷ đồng (đạt trên 100% kế hoạch đề ra)…
Đầu năm 2018, ông Bùi Văn Bảy (phường Thanh Khê Đông) mặc dù đã có hai tàu công suất lớn nhưng đóng thêm tàu vỏ gỗ có công suất 800CV. Đây là tàu đóng mới theo Quy định 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng.
Theo gia đình ông Bảy, làm biển luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết và tình trạng quấy nhiễu của tàu nước ngoài. Ngư dân muốn vươn khơi xa, làm kinh tế hiệu quả thì phải có tàu lớn. Con tàu đang thành hình, chỉ một đến hai tháng tới có thể hạ thủy vươn khơi.
Cũng như gia đình ông Bảy, ông Bùi Văn Dũng và ông Phạm Văn Tài (cùng trú phường Thanh Khê Đông) cũng đã khởi công đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi. Khoảng hai tháng nữa, tàu ông Dũng và ông Tài sẽ hạ thủy, góp thêm “sức mạnh” cho đội tàu xa bờ của quận Thanh Khê.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, kinh tế biển là một trong những ngành quan trọng của quận Thanh Khê.
Do vậy, quận chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững; trong đó chú trọng đóng tàu công suất lớn vươn khơi; nâng cao chất lượng hải sản kết hợp việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá thành.
Từ nay đến cuối năm 2018, quận vận động ngư dân tiếp tục thực hiện đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố; đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án giảm tàu cá và thuyền thúng gắn máy có công suất nhỏ hơn 20CV giai đoạn 2016-2020 tại quận Thanh Khê theo Quyết định 4991/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Hiện tại, toàn quận có 207 tàu nhỏ và thuyền thúng máy, tương ứng khoảng 400 lao động. Đến cuối năm 2017, toàn quận đã xả bản 27 chiếc với tổng kinh phí hỗ trợ 915 triệu đồng (kinh phí bổ sung của quận hỗ trợ 180 triệu đồng). Trong năm 2018, quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xả bản.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ