Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị (khóa IX) chỉ đạo Đà Nẵng có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Thực tế, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp vào năm 2008, trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Sự chuyển dịch này thể hiện cơ cấu ngành của một thành phố hiện đại và đúng hướng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Sự thay đổi bộ mặt thành phố cũng như tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có sự đóng góp lớn của ngành du lịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Năm 2003, tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) chiếm 48%, công nghiệp – xây dựng chiếm 45,6% và nông nghiệp chiếm 6,4%.
Đến năm 2008, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 50,1%, công nghiệp- xây dựng giảm xuống 45,8%, nông nghiệp giảm xuống 4,22%. Đây là năm đánh dấu sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh có sự đóng góp lớn từ tổng vốn đầu tư phát triển vào ngành này. Đặc biệt, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển đối với ngành dịch vụ từ năm 2000 đến 2009 chiếm bình quân hơn 60%/năm trong cơ cấu tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư vào ngành dịch vụ trong năm 2000 với mức 1.492 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp và xây dựng (805 tỷ đồng). Đến năm 2005, tổng vốn đầu tư vào ngành dịch vụ đạt 4.794 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư vào công nghiệp và xây dựng đạt 2.472 tỷ đồng.
Ngành dịch vụ bắt đầu có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong cơ cấu GDP kể từ năm 2005 và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển dịch lao động khá mạnh mẽ ra khỏi ngành nông nghiệp và công nghiệp để chuyển đến ngành dịch vụ.
Từ năm 2008 đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW với tỷ trọng ngành dịch vụ không ngừng tăng lên. Cụ thể, vào năm 2013 và 2016, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên lần lượt là 53,5% và 60,6%, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng giảm xuống 43,8% và 37,1%, nông nghiệp giảm xuống 2,7% và 2,3%.
Đặc biệt, du lịch đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố với tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GRDP của thành phố là 23,72%, tạo ra 77.026 việc làm trực tiếp và 63.511 việc làm gián tiếp…
“Du lịch Đà Nẵng phát triển khá nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện môi trường, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác, kích thích đầu tư.
Khách du lịch đến Đà Nẵng nhiều kéo theo sức mua sắm, ăn uống tăng và tổng thu nhập của các cửa hàng bán lẻ hàng hóa tại chợ tăng. Du lịch cũng tác động tích cực, góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân...”, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết.
Trong đề tài “Chuyển dịch cơ cấu thành phố Đà Nẵng”, ThS Nguyễn Thị Như Trang, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng nhìn nhận, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đà Nẵng trong 10 năm qua (2007-2017) được đánh giá như một quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ lại nền kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh ở ngành dịch vụ.
Ở đó, ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm đến 98% GRDP và nông nghiệp chỉ còn chiếm 2% GRDP. Đây là dấu hiệu của một nền kinh tế hiện đại, của một thành phố đang đẩy mạnh hiện đại hóa. Tuy nhiên, mức độ và chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.
Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp vẫn chưa ổn định. Ngành dịch vụ được xem là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng mức đóng góp vào GRDP thành phố vẫn chưa thực sự ấn tượng so với nguồn lực đã đầu tư…
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XX tại Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố đánh giá, cơ cấu kinh tế thành phố từ năm 2010-2015 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Việc thực hiện đột phá về phát triển dịch vụ đã đạt kết quả rõ nét, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố…
Mục tiêu đến năm 2020, trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 63-65% GRDP, công nghiệp - xây dựng từ 35-37% và nông nghiệp từ 1-2%. 3 đột phá về phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2015-2020 là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại và tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hiện nay, Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.
Tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp” đi đôi với đẩy mạnh tái cơ cấu trong nội bộ các ngành sản xuất, dịch vụ. Điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Hoàn thiện và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao trình độ phát triển và chất lượng phục vụ của các ngành dịch vụ; tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như: du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, dịch vụ logistics, giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế...
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao, trở thành trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch có chất lượng, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.
Song song đó, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo và chế tác, kết nối với mạng sản xuất và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ như: điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.
Trong nông nghiệp, xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu…
Để tiếp tục đưa thành phố bước vào một giai đoạn mới sau 15 năm định hình và bứt phá phát triển trên tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đà Nẵng đã thể hiện rõ tầm nhìn dài hạn trong “Đề án phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, tiếp tục thúc đẩy khu vực dịch vụ phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, là động lực thúc đẩy kinh tế; lĩnh vực công nghiệp chuyển biến mạnh về cấu trúc, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các dự án sạch, không gây tác hại môi trường, không chạy theo quy mô số lượng dự án thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp.
TRIỆU TÙNG - HOÀNG HIỆP