Sau vụ vỡ đập phụ D của thủy điện Xepian Xenamnoy ở Lào, người dân sinh sống ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lo ngại việc khai thác đất, đá để làm trang trại ở mé đồi cách chân đập Trà Cân (xã Đại Hiệp) 300m sẽ ảnh hưởng đến con đập này.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam xác nhận, khu vực khai thác không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và chưa thấy ảnh hưởng đến đập Trà Cân.
Khu vực khai thác đất, đá để làm trang trại ở cách xa chân đập Trà Cân. |
Từ giữa tháng 5-2017, được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Huỳnh Thanh Xuân, chủ đầu tư dự án trang trại chăn nuôi và nông-lâm nghiệp kết hợp tại thôn Phú Hải (xã Đại Hiệp, tỉnh Quảng Nam)) đã liên kết với Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thực hiện san lấp và khai thác đất, đá tảng lăn dư thừa để hạ cao trình nền của đồi ở mé phải hạ lưu đập Trà Cân.
Việc khai thác diễn ra trong vòng 21 tháng với diện tích khu vực khai thác là 40.786m2, công suất khai thác nguyên khối 75.000m3/năm. Từ thời điểm được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép đến cuối tháng 7-2018, công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị và khai thác được 51.812m3 đất, đá.
Trả lời với phóng viên về việc người dân sinh sống ở xã Hòa Khương và xã Đại Hiệp bày tỏ lo ngại việc khai thác đất, đá để làm trang trại như trên (cách chân đạp Trà Cân khoảng 300m) có thể gây ảnh hưởng đến con đập này, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam xác nhận, khu vực khai thác không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và chưa thấy ảnh hưởng đến đập Trà Cân.
Tuy nhiên, khi phóng viên đi thực tế vào khu vực khai thác đất, đá này thì ghi nhận quang cảnh cả công trường vắng lặng, các phương tiện khai thác như: máy xúc, băng chuyền nghiền đá, xe ben… đều không hoạt động.
Ông Phạm Văn Mạnh, một nhân viên bảo vệ khu vực khai thác cho biết: “Từ dư luận nhân dân lo ngại nguy cơ vỡ đập, nhất là sau vụ vỡ đập phụ của hồ thủy điện ở Lào, các cơ quan chức năng đến kiểm tra và yêu cầu tạm ngừng hoạt động.
Ai cũng tưởng chỉ ngừng hoạt động một vài ngày để kiểm tra và đánh giá, nhưng đến khi có kết luận là việc khai thác không ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa mà vẫn chưa cho khai thác trở lại”.
Trước đó, vào ngày 24-7-2018, qua công tác kiểm tra, giám sát thực địa, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam ghi nhận, tại thời điểm kiểm tra, công ty không có hoạt động khai thác đất, đá tảng lăn và có 3 máy xúc không hoạt động. Hoạt động khai thác diễn ra trước đó đều nằm trong diện tích được UBND tỉnh cấp phép, diện tích ngoài ranh giới trên thực địa đã được trồng cây keo lá tràm…
Về khoảng cách đập Trà Cân với khu vực khai thác đất san lấp, xây dựng công trình và dự án trang trại, qua kiểm tra và đo bằng máy định vị GPS cầm tay, tại vị trí chân đống đá tiêu nước ở phía hạ lưu của đập chính đến điểm gần nhất của khu vực khai thác đất, đá là khoảng 300m, cách suối khoảng 65m.
Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hưng Lộc Phát và hộ ông Huỳnh Thanh Xuân (chủ dự án trang trại) đã gia cố bằng đá tảng khoảng 100m và trồng cây keo lá tràm (bề rộng 5-7m) dọc theo bờ suối gần khu vực dự án.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thông tin: “Theo quy định, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra tối thiểu là 100m và phạm vi không được xâm phạm là 40m (ở sát chân đập). Khu vực khai thác đất, đá tảng lăn và dự án trang trại cách chân mái hạ lưu đống đá tiêu nước của đập chính là 300m, không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”.
Còn tại Báo cáo số 535/BC-STNMT ngày 27-7-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, khu vực khai thác đất, đá tảng lăn và dự án trang trại không nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và hiện tại, chưa thấy việc khai thác ảnh hưởng đến đậpTrà Cân.
Đập Trà Cân nằm ở xã Đại Hiệp, tỉnh Quảng Nam, được xây dựng năm 1983, sửa chữa năm 2009 với diện tích lưu vực của hồ là 4km2, dung tích hồ là 2,11 triệum3, chiều cao đập lớn nhất là 15m. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP