Nối nghiệp cha bám biển

.

Bỏ ngang nghề cơ khí ô-tô, Trần Văn Mười (SN 1977, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nối nghiệp cha đi biển. Bây giờ, anh trở thành một trong những ngư dân nổi tiếng mà khi ai nhắc đến cũng đều tấm tắc khâm phục...

 Anh Trần Văn Mười (giữa) nhận áo phao được hỗ trợ trước khi tàu anh ra khơi.
Anh Trần Văn Mười (giữa) nhận áo phao được hỗ trợ trước khi tàu anh ra khơi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề biển, tuy nhiên, anh Mười được gia đình cho ăn học đến nơi đến chốn với mong muốn kiếm được một cái nghề để làm việc trên đất liền. Bằng nỗ lực của bản thân, Mười đã tìm cho mình một công việc khá ổn định là nghề cơ khí ô-tô.

Năm 1997, khi thực hiện đề án chuyển đổi tàu công suất đánh bắt xa bờ, cha anh đã vay ngân hàng để đóng tàu mới nhưng sau một thời gian thì gặp khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần. Cuối năm 2006, nhìn con tàu của cha mình bị hóa giá (329 triệu đồng/1,4 tỷ đồng giá trị con tàu khi đóng mới), Trần Văn Mười hết sức đau lòng.

Đang làm việc tại một công ty ô-tô, anh quyết định bỏ ngang để đeo đuổi giấc mơ của cha mình. Cha nợ ngân hàng, gia tài không còn bao nhiêu, chỉ với 200 triệu đồng, anh vay thêm của ngân hàng được 500 triệu đồng để đóng mới con tàu vươn khơi làm nghề câu mực.

Sau một thời gian ngắn, nhờ biết tính toán, con tàu câu mực gần 300CV làm ăn hiệu quả, anh trả hết nợ ngân hàng, người làm công của anh cũng có thu nhập khá, bình quân mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng. Như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, Trần Văn Mười bán tàu nhỏ, đóng tàu lớn hơn với công suất 420CV rồi 520CV. Kèm theo đó, số lao động cũng tăng từ 18 lên 30 người, mỗi chuyến đi câu mực từ 30 ngày tăng lên 60 rồi 70 ngày.

Nhưng với khát khao làm giàu từ biển và vươn khơi xa hơn, năm 2011, Trần Văn Mười tiếp tục đầu tư và đóng mới tàu câu mực ĐNa 90567 có công suất 950CV. Cái “sự liều” của anh khiến nhiều người làm cùng ngành phải ái ngại, lo lắng bởi, thời điểm đó, tàu câu mực của anh thuộc dạng lớn nhất miền Trung với số vốn bỏ ra hàng tỷ đồng. Thế nhưng, sau đó, chính nhờ sự đầu tư lớn, sau khi trừ chi phí, Trần Văn Mười kiếm cả tỷ đồng trong mỗi chuyến biển, mỗi người lao động cũng nhận được hơn 50 triệu đồng/2 tháng.

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, anh lại xung phong đăng ký ngay đóng mới tàu vỏ thép, với mong muốn có tàu lớn vươn khơi xa để làm giàu kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trần Văn Mười đã vay ngân hàng đóng mới tàu vỏ thép số hiệu ĐNa 90777, với chiều dài 30,8m, ngang 7,5m, mớn nước cao 4m, công suất 822CV, tốc độ 10 hải lý/giờ, thiết kế giàn đèn cao áp gồm 200 bóng với tổng chi phí là 17,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, tàu có khoang cá có dung tích hơn 220m3, khoang chứa nước ngọt 27,4m3, nhiên liệu dự trữ đủ cho hoạt động liên tục trên biển trong 30 ngày. Hệ thống làm lạnh bằng công nghệ tiên tiến (cách nhiệt PU) giúp bảo quản tốt hải sản sau khi đánh bắt. Những ngày đầu hạ thủy, tuy việc đánh bắt của tàu vỏ thép gặp khó khăn, nhiều tàu vỏ thép của miền Trung nằm bờ nhưng tàu của Trần Văn Mười vẫn vươn khơi hiệu quả.

Những chuyến biển xa về luôn đầy ắp thủy sản, lao động có thu nhập ổn định. Bước vào những năm 2017-2018, việc khai thác xa bờ của tàu cá, nhất là tàu vỏ thép, gặp nhiều khó khăn nhưng Trần Văn Mười không nản. Anh vẫn cho tàu ra khơi, đánh bắt ở những hải phận xa xôi, ít tàu cá Việt Nam lui tới. Anh cho biết, dù cũng có lúc khai thác hải sản gặp không ít khó khăn và những chuyến lỗ vốn nhưng anh vẫn phải bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng...

Những tháng đầu năm nay, biển giã gặp nhiều biến động, nhất là thời tiết, tàu cá ra khơi gặp nạn liên tục. Ở những vùng biển xa, có những con tàu vỏ thép như tàu của anh đã trở thành những tàu cứu nạn đặc biệt. Chỉ tính riêng trong năm nay, tàu vỏ thép của anh đã 3 lần cứu nạn ở những vùng biển mà tàu cứu nạn không thể đến được.

Đơn cử như chuyến biển vào cuối tháng 5-2018, tàu vỏ thép ĐNa 90777 của Trần Văn Mười dù mới ra khơi chưa đánh bắt được cá nhưng khi phát hiện tàu câu mực QNa 90749 cùng 49 ngư dân bị nạn trên biển anh đã chấp nhận bỏ ngang chuyến biển để cứu, kéo tàu bị nạn cùng 49 ngư dân về Đà Nẵng. Anh Mười tâm sự:

“Nghề biển giã luôn rình rập những hiểm nguy. Ngoài việc gặp tàu nước ngoài quấy rối thì thời tiết bất thường trên biển cũng khiến cho ngư dân gặp nhiều ẩn họa. Do đó, chúng tôi luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp nạn”... Với những cống hiến đó, nhiều lần Trần Văn Mười đã được biểu dương là gương ngư dân trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.
.