Ngày 24-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Tham dự buổi làm việc, về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (dự án) có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung.
Dự án đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai thực hiện, nhưng đến nay, dự án chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Việc hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định tốn nhiều thời gian, qua nhiều ngành và cấp khác nhau; dự án có quy mô đầu tư lớn, gặp khó khăn về nguồn vốn...
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án (giai đoạn 1) từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước và các nguồn ngân sách Trung ương khác theo quy định với số tiền trên 3.400 tỷ đồng để đầu tư hợp phần A (giai đoạn 1) của dự án; đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án và giao UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án. Trước mắt, Đà Nẵng cần được bố trí vốn để triển khai xây dựng kè chắn sóng của giai đoạn 1.
Theo báo cáo, Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung, do đó, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8,4 triệu tấn, dự kiến đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030, vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ảnh hưởng môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.
Sau năm 2020, cảng Tiên Sa sẽ không đáp ứng đủ năng lực bốc xếp hàng. TRONG ẢNH: Bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN |
Trong thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn tăng cao, tạo sự chia cắt và gây ùn tắc giao thông cục bộ qua các tuyến đường. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người do xe tải, xe container gây ra, làm mất mỹ quan và an toàn đô thị…
Do đó, việc khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cần thiết và hết sức cấp bách để sớm chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Theo đó, cảng Tiên Sa chỉ tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan thành phố, phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố Đà Nẵng, ngành giao thông vận tải, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh và tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng do cảng Tiên Sa nhỏ, mực nước thấp, không đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai nên cần thiết và cấp bách triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu sớm.
Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu tiền khả thi cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cảng hiện đại, tổng thể để kết nối giao thông cho cả khu vực; đồng thời yêu cầu các bộ: GTVT, Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT và UBND thành phố Đà Nẵng sớm có văn bản báo cáo kết quả buổi làm việc về dự án cảng Liên Chiểu và gửi Thủ tướng trước ngày 10-10.
Bên cạnh đó, quy mô dự án lên đến hơn 32.000 tỷ đồng, riêng hợp phần A của giai đoạn 1 làm đê chắn sóng không sinh lợi nhuận có tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng nên phải có báo cáo bằng văn bản để trình Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Bộ GTVT, UBND thành phố Đà Nẵng kêu gọi xã hội hóa phát triển cảng từ cầu cảng, bến bãi, phương tiện bốc dỡ và được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT đề xuất các cơ chế cụ thể để nhanh chóng đưa dự án cảng Liên Chiểu vào đầu tư xây dựng đúng tiến độ; đồng thời, quan tâm các nguồn dự phòng, xác định nguồn hỗ trợ (ngân sách địa phương, Bộ GTVT, dự phòng hay ngân sách Trung ương, đầu tư công trung hạn); xác định chủ đầu tư; đề xuất mô hình quản lý cảng. Liên Chiểu là cảng mới, chính vì vậy khi làm dự án phải cập nhật được thông tin mới nhất, hợp với quy hoạch hiện đại.
Dự án cảng Liên Chiểu có tổng diện tích quy hoạch 2.246.793m2 (hơn 220ha); được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA) gồm 5 phân khu. Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi, dự án cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 32.861 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn với quy mô, công suất cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (đến năm 2022): Tổng mức đầu tư 7.378,0 tỷ đồng, với hợp phần A (3.426,3 tỷ đồng), hợp phần B (3.951,8 tỷ đồng). Giai đoạn 2 (đến năm 2030) có tổng kinh phí dự kiến 7.857 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (năm 2050): có tổng kinh phí dự kiến 17.626 tỷ đồng. Về kế hoạch thực hiện dự án giai đoạn 1: Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư: Năm 2019-2020. Đến nay, dự án đã được bố trí 5 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư theo Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 (đợt 2). Triển khai thi công và đưa vào khai thác: 2020-2022. Hiện nay, các ngành chức năng của thành phố đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị thẩm tra và tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo yêu cầu; chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định của Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan. |
THÀNH LÂN