Tàu cá thiếu chỗ neo đậu trú bão an toàn

.

Những năm gần đây, số lượng tàu cá từ các tỉnh lân cận, nhất là tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đến neo đậu, tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) tăng lên đáng kể làm nhiều chủ tàu cá của Đà Nẵng lo lắng vì không tìm được chỗ neo đậu.

Vào mùa mưa bão, nhiều tàu cá từ các tỉnh về neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang quá đông làm chủ tàu cá của Đà Nẵng lo lắng.
Vào mùa mưa bão, nhiều tàu cá từ các tỉnh về neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang quá đông làm chủ tàu cá của Đà Nẵng lo lắng.

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) có diện tích trên bờ khoảng 4ha, mặt nước là 58ha, được phân bố gồm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Đây là nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vừa là cảng cá, chợ cá có quy mô cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu thuyền thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận…

Thống kê cho thấy, số lượng tàu thuyền và các phương tiện, người hoạt động tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2017, có đến hơn 24.600 lượt tàu thuyền cập cảng và hơn 100.000 tấn hải sản xếp dỡ tại cảng.

Nhất là khi có bão trên biển, số lượng tàu cá từ các tỉnh lân cận chạy vào neo đậu trú bão trong Âu thuyền Thọ Quang tăng đột biến.

Nhiều ngư dân Đà Nẵng bày tỏ lo lắng khi có nhiều tàu cá ở các tỉnh về tránh trú bão làm nhiều tàu cá vào sau không còn chỗ neo đậu, phải neo ở sát cầu Mân Quang hoặc bên ngoài âu thuyền, dễ bị sóng lớn đánh chìm.

Ngư dân Nguyễn Vũ (trú quận Sơn Trà) - chủ tàu cá ĐNa 90985, cho hay: “Khi có bão hay áp thấp nhiệt đới, tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung kéo vào âu thuyền neo đậu đông, nhiều tàu của ngư dân Đà Nẵng vào sau không còn chỗ trú.

Nói chung là phải đậu tự phát, tàu nào vào trước giành được chỗ đậu còn không giành được thì chỉ có neo tàu rất mất an toàn”. Ngư dân Hồ Ngọc Hiệp (trú quận Thanh Khê) - chủ tàu cá ĐNa 90361TS, cũng cho biết:

“Đông tàu quá nên tàu nào vào trước thì có bù để cột, tàu vào sau thì không còn bù để cột cho chắc chắn phải liều neo riêng, rất dễ va đập vào nhau dẫn đến hư hỏng, chìm thuyền. Đề nghị các cơ quan chức năng phải quyết liệt yêu cầu tàu cá của các tỉnh về quê neo đậu, hoặc có giải pháp khác nhằm tránh làm quá tải dẫn đến thiệt hại tài sản của ngư dân Đà Nẵng”.

Theo ông Phạm Bá Hùng, Phó ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, do có nhiều lợi thế nên ngày càng nhiều tàu thuyền về thực hiện các dịch vụ nghề cá và trú bão với số lượng lớn.

Theo thiết kế, sức chứa tránh trú bão tại âu thuyền là gần 500 tàu thuyền, nhưng thực tế vào mùa mưa bão, số lượng tàu thuyền về trú bão rất đông, có những thời điểm về trú bão 1.200 tàu, gấp hơn 2 lần so với công suất thiết kế, nên rất khó khăn trong việc sắp xếp tàu thuyền neo đậu trú bão và hệ số an toàn giảm xuống.

“Năm 2018, chúng tôi được giao cố gắng làm sao bố trí, sắp xếp neo đậu 750 tàu, nhưng đã và đang vượt con số đó. Các tàu cá về trú bão trong âu thuyền chủ yếu là từ các tỉnh lân cận, nhất là Quảng Ngãi. Gần đây nhất, tổng số tàu cá về âu thuyền Thọ Quang trú bão là 1.081 chiếc, riêng tàu Quảng Ngãi là 622 chiếc, còn tàu Đà Nẵng chỉ chiếm 30%.

Ngày càng có nhiều tàu cá có công suất lớn, thậm chí có nhiều tàu vỏ thép về tránh trú bão nên việc sắp xếp neo đậu, trú bão rất khó khăn…

Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với thành phố vào tháng 8-2018, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho rằng, theo quy hoạch, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có sức chứa 1.240 tàu từ 600CV trở lên với chức năng vừa là cảng bốc xếp hàng hóa, vừa là khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng.

Do cảng cá cung cấp dịch vụ rất tốt nên tàu cá từ nhiều địa phương về cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang rất đông, dẫn đến việc quá tải.

“Khi có bão thì tàu thuyền trên biển chọn hướng nào gần nhất để vào tránh trú bão nên không thể đề ra quy định tàu cá của tỉnh nào thì về tỉnh ấy neo đậu. Để giải bài toán quá tải tàu thuyền neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang, UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, quy hoạch và hướng dẫn tàu thuyền về các khu neo đậu như: vịnh Mân Quang, Bãi Ngang, Hói Kiểng để giảm áp lực cho Âu thuyền Thọ Quang”, ông Nguyễn Phú Quốc đề nghị.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.