LTS: Năm 2018, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN). Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn có nhiều chuyển biến, mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo động lực cho bước phát triển đột phá của Đà Nẵng, thành phố trọng điểm của khu vực miền Trung và cả nước.
Bài 1: Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp
Coi sự phát triển của cộng đồng DN, doanh nhân là động lực phát triển của thành phố, chính quyền và các sở, ngành đã vào cuộc quyết liệt trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Đà Nẵng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất ở Nhà máy lắp ráp ô-tô TCIE Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố đã xây dựng kế hoạch và phân công cơ quan chủ trì, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ DN.
Trên cơ sở đó, khẩn trương triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn đầu tư 2017 và các hoạt động cụ thể nhằm phát huy thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC.
Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tham mưu cho thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương nghiên cứu điều chỉnh các văn bản luật, dưới luật đối với các rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhà đầu tư.
Thành phố cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động khởi nghiệp, mở rộng thị trường, quy mô hoạt động...
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã tổ chức các chương trình đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với cộng đồng DN, nhà đầu tư, như: chương trình “Tọa đàm mùa xuân”, “Gặp gỡ doanh nghiệp”, Hội thảo PCI Đà Nẵng nhằm tìm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính; ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố… Cách làm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển mà số lượng DN thành lập mới cũng tăng lên.
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho gần 5.000 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 16.800 tỷ đồng; tăng 9,2% về số DN so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, cũng có hơn 26.700 DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động tại Đà Nẵng với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 125.000 tỷ đồng.
Tổng vốn FDI trong 9 tháng đạt hơn 216 triệu USD; lũy kế có 660 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn. “Sự hỗ trợ kịp thời của thành phố đối với DN đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại - dịch vụ trên địa bàn ngày càng tăng cao.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, khôi phục và phát triển nhiều ngành nghề, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố”, ông Trần Phước Sơn cho biết.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thành phố cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng, cụ thể hóa các chính sách theo thẩm quyền được giao cũng như xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực cho DN, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Không để tồn đọng khó khăn, vướng mắc
Những chính sách của thành phố góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Công ty TNHH Việt Nam ToKai. |
Theo thông tin từ UBND thành phố, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 9 tháng ước thực hiện đạt hơn 30.200 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó vốn Nhà nước giảm 4,4%, vốn ngoài Nhà nước tăng 19,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6%.
Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được tăng cường, chú trọng đầu tư có trọng điểm với quy mô hợp lý để nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2018, lãnh đạo thành phố thường xuyên họp xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn phụ trách; xử lý các vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai thực hiện, nhất là các công trình trọng điểm.
Đồng thời, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, địa phương để thực hiện đền bù giải tỏa nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chỉ đạo các chủ đầu tư, quản lý dự án đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư; các sở, ban, ngành rút ngắn thời gian thẩm định ít nhất 20% so với quy định.
Thành phố cũng đã kịp thời tổng hợp báo cáo với các cơ quan Trung ương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư công.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục rà soát những vướng mắc, khó khăn của các dự án đầu tư đang xúc tiến và tập trung vào các dự án đầu tư trọng điểm, như: dự án di dời ga đường sắt; thí điểm, đầu tư các bãi đỗ xe nổi, thông minh; hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu Công viên phần mềm số 2; dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn; dự án tuyến Tramway giữa Đà Nẵng và Hội An...
Thành phố cũng tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, như: triển khai thủ tục đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn; đánh giá và đề xuất kế hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp hiện hữu; tiếp tục rà soát quỹ đất trong khu công nghiệp để đáp ứng mặt bằng cho DN có nhu cầu sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, các DN trên địa bàn thành phố đánh giá cao việc chính quyền thành phố đã năng động, linh hoạt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đà Nẵng đang dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng DN.
Cộng đồng DN, doanh nhân ngày càng đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn như: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tuy cao, nhưng vẫn ở dưới mức tiềm năng, quy mô DN Đà Nẵng còn nhỏ bé, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế.
Do vậy, cần sự nỗ lực, chung tay từ chính quyền và cộng đồng DN, thực hiện cải cách hành chính hỗ trợ kịp thời cho DN hoạt động và phát triển. Ông Phan Thành Hạt, Giám đốc Công ty TNHH Achelous Power cũng nhận xét, công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố có nhiều đổi mới nhưng DN còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, lĩnh vực thuế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, công tác thanh kiểm tra...
Có thể khẳng định, để hỗ trợ DN phát triển, thành phố và các sở, ban, ngành đã vào cuộc quyết liệt trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư; thường xuyên gặp mặt, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho DN…
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo, chỉnh sửa bổ sung, thay thế kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
Trong 9 tháng qua, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 6.300 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 322 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 97.600 tỷ đồng; có 106 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 150 triệu USD, tăng gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017; có 16 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm trên 21 triệu USD, tăng 25,4 lần và 153 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 44,6 triệu USD, tăng gần 3,4 lần. |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN