Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định cần tháo gỡ...
Kinh tế tư nhân đang khẳng định vị thế quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển của địa phương và quốc gia. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh XNK Hương Quế. |
Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế
Theo đánh giá từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh tại Đà Nẵng, Đà Nẵng là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Báo cáo từ Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố cho thấy, lũy kế đến ngày 30-9-2018, trên địa bàn thành phố có hơn 26.300 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký là hơn 190.400 tỷ đồng, tập trung vào các ngành nghề: thương mại; xây dựng, du lịch, dịch vụ…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2015 có hơn 3.400 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2016 là 4.400 doanh nghiệp và đến năm 2017 có hơn 4.600 doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố có hơn 3.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ là gần 20.000 tỷ đồng, tăng 6% về số doanh nghiệp và tăng 5,7% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định khu vực KTTN đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển của thành phố. “Không chỉ đem lại nguồn thu tích cực, bền vững cho ngân sách của địa phương, KTTN còn trở thành động lực tạo sự liên kết và thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp…; đồng thời, góp phần quan trọng vào quá trình phân công lao động xã hội, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Quang nói.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố, năm 2017, GRDP khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn đạt hơn 49.300 tỷ đồng, chiếm 64,4% GRDP toàn thành phố; đóng góp hơn 9.700 tỷ đồng vào ngân sách địa phương, chiếm 41,4% tổng số ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Dinco Group, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng khẳng định, KTTN chính là động lực phát triển cho địa phương và quốc gia. Trong 15 năm qua, cộng đồng doanh nhân trẻ thành phố mở rộng quy mô, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia đóng góp tích cực vào ngân sách.
“Trong 5 năm tới, doanh nhân trẻ thành phố đặt ra mục tiêu giữ tốc độ tăng trưởng ≥ 20%/năm, tỷ lệ đóng góp ngân sách tăng 20%; đồng thời phấn đấu đưa Đà Nẵng có 1-5 thương hiệu, sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia, cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế”, ông Kỹ nói.
Vẫn còn những khó khăn
Xác định KTTN là một thành phần kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của thành phố, thời gian qua, lãnh đạo các cấp, ngành ở Đà Nẵng luôn coi trọng việc thúc đẩy phát triển và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho KTTN.
Tùy vào từng thời kỳ, giai đoạn, thành phố đã đưa ra những định hướng, chính sách, giải pháp phù hợp và đạt được nhiều thành công như: Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng năm 2016”, Đề án “Phát triển doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”…
Thành phố cũng đã rà soát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, miền Trung-Tây Nguyên… Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Quang, hoạt động của KTTN trên địa bàn thành phố tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là quy mô, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đà Nẵng còn nhỏ và yếu, thiếu những thương hiệu lớn mạnh xứng tầm quốc gia và khu vực.
Đồng thời, khả năng tài chính, trình độ quản lý của một số doanh nghiệp còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản với mục tiêu tìm lợi nhuận trước mắt; hoạt động hướng nội trong phạm vi hẹp.
Trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hàng hóa của khu vực kinh tế tư nhân dù bảo đảm về chất lượng nhưng khi cạnh tranh trên thị trường vẫn phải chịu sức ép gay gắt. Thực tế, khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn…
Để thúc đẩy khu vực KTTN phát triển, đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển chung của thành phố, theo ông Quang, ngoài sự nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nhân thì cần nhiều yếu tố khác. “Cần hoàn thiện chính sách, cơ chế, giảm bớt các thủ tục rườm rà gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là trong quá trình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Quang nói.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA