Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh những bất cập tồn tại trong hệ thống báo hiệu đường bộ, tuy nhiên, đến nay việc chậm xử lý các biển báo đã hết hiệu lực hay biển báo “đánh đố” người tham gia giao thông cũng như ý thức tuân thủ các quy định về biển báo… đang đặt ra cho cơ quan chức năng những vấn đề cần sớm giải quyết.
Một điểm có quá nhiều chỉ dẫn. |
Chẳng hạn, việc đặt các biển báo cấm sử dụng còi trong khu vực trung tâm và một số tuyến đường nội thành đã không phát huy tác dụng khi có quá nhiều tài xế thiếu ý thức. Anh Lê Tấn Thọ (trú đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) bày tỏ: “Mỗi sáng đi làm và khi tan tầm, nếu gặp các xe buýt tuyến Đà Nẵng - Hội An thì y như có xe cứu thương chạy sau. Các xe buýt luôn bóp còi inh ỏi và ép người tham gia giao thông vào lề đường để di chuyển, mặc dù các đoạn đường luôn có biển báo cấm sử dụng còi hơi, nhưng các tài xế gần như phớt lờ biển báo này. Trong khi đó, để xử lý hành vi cũng rất khó khăn, khi lực lượng chức năng không thể theo dõi thường xuyên hoặc nếu thấy bóng dáng lực lượng Cảnh sát giao thông thì các lái xe không bấm còi nữa”.
Bên cạnh đó, nhiều lái xe thắc mắc đối với biển báo hạn chế tốc độ trong khu đông dân cư cũng như trên tuyến quốc lộ 1A đi qua thành phố. Điển hình như đoạn đường Nguyễn Văn Cừ (quận Liên Chiểu) đến hết Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đi qua nhiều ngã ba, ngã tư, nhưng ít thấy biển báo nhắc lại. Theo quy định, khi qua ngã tư không có biển báo khu dân cư nhắc lại, mặc nhiên được hiểu biển báo đó hết hiệu lực khiến nhiều người đi đường thắc mắc, tranh cãi. Thời gian qua, rất nhiều tài xế bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ trong khu dân cư (vì nhầm tưởng là đã hết quy định) sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo giới hạn tốc độ.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố cho hay, biển báo khu đông dân cư (R.420) có hiệu lực từ vị trí đặt biển đối với tất cả các tuyến đường trong khu đông dân cư đến vị trí đặt biển báo hết khu đông dân cư (R.421). Tuy nhiên, trong đô thị có rất nhiều nút giao và không thể mỗi nút giao lại đặt biển nhắc lại; do đó, người tham gia giao thông khi gặp biển R.420 phải chấp hành quy định về tốc độ đã được quy định trong Thông tư số 91/2015/TT BGTVT của Bộ Giao thông vận tải cho đến khi gặp biển R.421 mới hết hiệu lực.
Khảo sát cho thấy, một loại biển báo cũng khó phát huy tác dụng là biển cảnh báo đi chậm. Biển báo này có số hiệu W.245, mục đích là cảnh báo lái xe cần giảm tốc độ, đi chậm lại để quan sát, bảo đảm an toàn. Thế nhưng, tại một số nút giao có biển cảnh báo đi chậm, người tham gia giao thông thường không quan tâm; thậm chí, tại nút giao có đèn đỏ nhiều người vẫn vượt khi có tín hiệu dừng. Đáng chú ý, việc các cơ quan chức năng lắp đặt một số hệ thống biển báo giao thông trên đường bộ chưa sát với thực tế khiến biển báo mất đi tác dụng; đồng thời, tăng nguy cơ phức tạp về tai nạn giao thông (TNGT).
Cụ thể, trên tuyến đường gom bên phải (đường Ngô Quyền) từ đầu cầu Sông Hàn về cảng Tiên Sa, trên một số đoạn có lắp biển báo, đèn đỏ được đi thẳng, kèm theo tín hiệu đèn chỉ dẫn màu xanh chỉ ngang khiến cho người tham gia giao thông rất khó thực hiện. Trước hết, việc đèn đỏ được đi thẳng, kèm tín hiệu đèn màu xanh rẽ phải dẫn đến xung đột giao thông và nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao. Trong khi đó, cho dù đường rẽ phải chưa hoàn thiện, nhưng rất nhiều người dân đã phá rào chắn bằng bê-tông để di chuyển từ trong khu dân cư ra nên rất nguy hiểm…
Một bất cập khác, đó là trên các tuyến đường tại thành phố xuất hiện rất nhiều tấm biển tự phát của người dân về việc cấm đỗ xe trước các cửa hàng, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, quy định chỉ cho phép việc cấm đỗ xe ở những nơi có biển báo cấm, vì vậy, việc tự ý treo biển cấm của người dân là không đúng pháp luật.
Một trong những vấn đề cần khắc phục là biển báo có chữ quá nhỏ hoặc biển báo nằm san sát nhau, cái nọ che cái kia hay bị cột điện, cây cối che khuất tầm nhìn… gây khó khăn cho người tham gia giao thông đường bộ. Do đó, các đơn vị vận hành và quản lý các tuyến đường cần sớm kiểm tra, rà soát, bố trí lại cự ly cắm biển hạn chế tốc độ hợp lý và có những chỉ dẫn cụ thể để tránh gây khó khăn cho lái xe, nhất là những người chưa quen đường.
Lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng các biển báo do lực lượng Cảnh sát giao thông cắm, nhưng thực chất, việc cắm biển báo thuộc chức năng của các đơn vị liên quan ngành giao thông vận tải. Lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ thực thi xử phạt vi phạm, trên cơ sở căn cứ vào biển báo ở các tuyến đường. Muốn tạo hiệu quả trong việc cắm biển báo, các cơ quan quản lý chuyên trách ngành giao thông vận tải cần tham khảo ý kiến đóng góp, phản ánh từ phía người dân, đối tượng trực tiếp tuân thủ theo hệ thống chỉ dẫn giao thông; qua đó, để có thông tin sát thực nhất trong việc rà soát những sai sót, bất cập.
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần có đợt rà soát, kiểm tra lại hệ thống biển báo giao thông, sớm khắc phục những biển báo đã hư hỏng hoặc xuống cấp để những biển báo giao thông này phát huy tác dụng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN