Hoạt động khởi nghiệp đang được hầu hết các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố chú trọng nhằm tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho sinh viên để các em có thể sẵn sàng khởi nghiệp sau khi ra trường.
Cần sự hỗ trợ để sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp bằng những sản phẩm tự nghiên cứu, có tính ứng dụng cao. |
Những ý tưởng táo bạo
Những năm gần đây, các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) đều đưa chương trình khởi nghiệp và kỹ năng mềm vào đào tạo. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là trường đầu tiên trong cả nước đưa học phần Khởi sự kinh doanh vào đào tạo chính quy. Nội dung giảng dạy gồm những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, kích thích những ý tưởng hay và táo bạo từ SV.
Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án hợp tác trao đổi giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ireland, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai từ năm 2016 đến nay như: các hội thảo đào tạo khởi nghiệp dành cho SV, các chuyến đi đến Trung tâm Khởi nghiệp Rubicon (thuộc Học viện Công nghệ Cork, Ireland) để học hỏi kinh nghiệm; tổ chức cuộc thi Startup Runway.
Các trung tâm hướng nghiệp, trung tâm quan hệ doanh nghiệp ở các trường ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng cũng đẩy mạnh việc hợp tác với đối tác nước ngoài thông qua các dự án quốc tế về thúc đẩy khởi nghiệp cho SV.
Cụ thể, trong năm 2016-2018, ĐH Đà Nẵng là đơn vị điều phối của dự án “Tăng cường quan hệ nhà trường - doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và thông minh ở các trường ĐH châu Á” (Hub4growth) do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Kế đến là dự án V2WORK “Tăng cường năng lực hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm của SV sau khi tốt nghiệp và phát triển kỹ năng khởi nghiêp” do Cộng đồng châu Âu tài trợ, khởi động từ tháng 3-2017.
Dự án gồm các khóa tập huấn cách tiếp cận đối tác liên quan, liên kết doanh nghiệp, tìm hiểu thị trường lao động, phân tích đánh giá số liệu và tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho SV. Trong năm 2019, các trường tham gia dự án sẽ tổ chức các cuộc thi ý tưởng kinh doanh, các buổi nói chuyện với sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp thành công trên địa bàn, tổ chức diễn đàn khởi nghiệp tại địa phương.
Từ nền tảng này, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của SV được hình thành. Trương Nguyên Thảo, SV năm hai Trường ĐH Kinh tế chia sẻ, năm 2018 em cùng nhóm bạn tham gia cuộc thi Startup Runway và đoạt giải cao với ý tưởng ứng dụng thay thế máy rung khi gọi món trong các quán cà-phê, quán trà sữa, ngoài ra người dùng có thể đặt món trực tiếp trên app, kết nối wifi bằng việc quét mã QR.
Theo em, việc đưa khởi nghiệp vào giảng dạy trong nhà trường cũng như các cuộc thi về khởi nghiệp tạo sân chơi hữu ích cho các bạn trẻ và hình thành, nuôi dưỡng những ý tưởng kinh doanh độc đáo, táo bạo.
Cần sự hỗ trợ
Theo Trương Nguyên Thảo, hiện nay, ý tưởng của nhóm vẫn chỉ dừng lại ở… ý tưởng và chưa đi vào thực tế. Để ý tưởng được vận dụng vào đời sống, hệ sinh thái khởi nghiệp rất quan trọng. Đó là một mạng lưới giúp kết nối những người khởi nghiệp với người đưa ra định hướng, giới thiệu cơ hội và hỗ trợ; người cung cấp và khách hàng.
PGS.TS. Phan Quý Trà, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, dù có nhiều điểm sáng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của SV nhà trường nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận các hoạt động khởi nghiệp trong SV mới chỉ ở mức ý tưởng mà chưa có một mô hình khởi nghiệp hoàn chỉnh đưa được sản phẩm ra xã hội.
Định hướng năm 2019, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của trường sẽ dần phát triển theo xu thế chọn lọc và hỗ trợ kinh phí cho quá trình nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Lấy xuất phát điểm là đề tài nghiên cứu khoa học của SV và giảng viên có tính ứng dụng cao, nhà trường đầu tư phát triển 1 hoặc 2 sản phẩm.
Đây là sản phẩm/giải pháp thực sự hữu ích, thiết thực, vừa có khả năng dự thi ở cấp cao hơn, đăng ký phát minh, sáng chế, vừa trở thành một dự án khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa.
Tiến sĩ Hoàng Hải, Trưởng ban Hợp tác quốc tế ĐH Đà Nẵng, cho biết, để thúc đẩy khởi nghiệp mạnh mẽ trong SV, cần phát huy vai trò của các trung tâm hướng nghiệp trong các trường ĐH. Bởi đó là cầu nối giữa các trường và ngành công nghiệp/doanh nghiệp địa phương để các bên hiểu rõ nhu cầu và tăng cơ hội hợp tác giữa các bên. Qua đó, doanh nghiệp cũng có thể tài trợ cho các dự án khởi nghiệp có ý tưởng tốt của SV.
Trong khi đó, PGS Fabien Ferrero (ĐH Nice Sophia Antipolis, Pháp), giảng viên trao đổi tại Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - DNIIT cho rằng, Đà Nẵng nên hình thành trung tâm trưng bày, giới thiệu các ý tưởng của SV, giảng viên. Từ đây, chính quyền, doanh nghiệp có thể tìm kiếm những ý tưởng phù hợp với nhu cầu để đầu tư, đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ