Sức hút của du lịch Đà Nẵng

.

Đà Nẵng được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh những giải thưởng danh giá được các tổ chức, đơn vị vinh danh bình chọn dành cho Đà Nẵng, du khách có lẽ còn cảm nhận được sự trẻ trung, năng động, thân thiện của một thành phố trẻ.

Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch tham quan thành phố bằng xích lô. Ảnh: THU HÀ
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch tham quan thành phố bằng xích lô. Ảnh: THU HÀ

Lưu lại Đà Nẵng một ngày khi chuyến tàu biển Westerdam cập cảng Đà Nẵng, vợ chồng ông bà Clarissa Parfit (du khách Úc) có chuyến tham quan một số điểm đến của Đà Nẵng như: khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm…

Chia sẻ với chúng tôi, bà Clarissa bày tỏ: “Mục đích ban đầu của chúng tôi là đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhưng khi được gặp các bạn trẻ ở quầy hỗ trợ du khách giới thiệu về Đà Nẵng, tôi đã thay đổi lịch trình, dành một nửa thời gian để tham quan thành phố của các bạn. Chúng tôi rất thích Bảo tàng Điêu khắc Chăm, một kho tư liệu quý giá của cả một nền văn hóa bằng hiện vật”.

Cũng trót “phải lòng” Đà Nẵng, anh Sakai Hideyuky (du khách Nhật Bản) nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên đi chợ ở Đà Nẵng cách đây hơn 6 năm. Khi đó, hai vợ chồng anh đi mua đồ ăn, dù vợ anh là người Việt Nam, nhưng khi anh hỏi giá thì được cô bán hàng tự động giảm giá thấp hơn so với những người khác. Từ sự đáng yêu này và cũng vì cảm mến Đà Nẵng nên anh quyết định rời TP. Hồ Chí Minh ra thành phố sông Hàn định cư.

Hiện Đà Nẵng có 785 cơ sở lưu trú, 35.615 phòng với sự có mặt của nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới như: InterContinental, Novotel, Marriott, Hilton, Sheraton, Pullman… Đây chính là điểm nhấn đánh dấu sức hút của thành phố du lịch biển đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, số lượng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng cũng có những bước tăng trưởng đáng kể, năm 2018 đạt 7,6 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt khoảng 24.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietnam TravelMart nhìn nhận, 2018 là một năm thành công của du lịch Đà Nẵng với sự tăng trưởng ấn tượng về khách cũng như sự lan tỏa về thương hiệu điểm đến, khi Đà Nẵng liên tục được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện lớn.

Theo đó, Đà Nẵng đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của khách hàng nói chung và khách du lịch nói riêng về cơ sở hạ tầng như: sân bay quốc tế hiện đại, cơ sở lưu trú phong phú về số lượng, thể loại, điểm đến tham quan đa dạng, giàu bản sắc…

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có rất nhiều thuận lợi để thu hút khách bởi nằm ở vị trí trung tâm du lịch của cả nước, cửa ngõ đến các di sản văn hóa; cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, nhà ga đều gần trung tâm thành phố, cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng…

Tuy nhiên, hệ thống điểm mua sắm của Đà Nẵng còn nhỏ lẻ, rải rác ở nhiều nơi mà chưa có sự đầu tư quy mô, bài bản. Thực tế, nhu cầu mua sắm khi đi du lịch của du khách rất cao, nên cần có các điểm ở các trung tâm mua sắm lớn; đồng thời, cần sớm thực hiện chính sách hoàn thuế cho khách khi mua sắm… để kích thích chi tiêu của khách.

“Điều quan trọng khác là thành phố cần quan tâm đến một số vấn đề như: quy hoạch giao thông, bãi đậu đỗ xe, các điểm dừng chân đẹp, hấp dẫn, thuận tiện cho các chương trình tham quan để khách chụp ảnh. Đặc biệt, cần quan tâm vấn đề quản lý môi trường biển, xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ và tôn tạo các khu du lịch sinh thái”, ông Trần Lực đề xuất.

Du khách quốc tế tham quan Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn
Du khách quốc tế tham quan Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn

Theo phân tích của ông Nguyễn Như Nam, “điểm đến quốc tế” phải đáp ứng được nhu cầu của đa đạng thị trường khách quốc tế. Nhưng hiện nay, Đà Nẵng mới là điểm đến yêu thích của một số thị trường chuyên biệt như Hàn Quốc, Trung Quốc… Khách châu Âu đến Đà Nẵng chưa nhiều và còn có xu hướng giảm, tỷ lệ khách quay lại lần thứ hai rất thấp.

Ông Nam cho rằng, những năm qua, ngành du lịch thành phố rất nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến với thị trường quốc tế. Song, để vươn xa hơn nữa, cần đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng điểm đến, cần sự phối hợp đồng bộ để nâng cao chất lượng dịch vụ của chuỗi cung ứng, mở rộng xúc tiến điểm đến tới các thị trường xa, phát triển các sản phẩm du lịch bền vững và có chiều sâu.

Một gợi ý khác của đại diện khai thác khách du lịch cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như châu Âu, Mỹ, Úc, cũng nên quan tâm đến các nước ASEAN. Bởi thị trường ASEAN cung cấp đa dạng các loại hình khách du lịch, đáp ứng các loại hình lưu trú không chỉ dành riêng cho hạng 4-5 sao mà còn cả từ 1-3 sao.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho hay, từ sức hút hiện có của Đà Nẵng đối với khách du lịch, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đa dạng hóa, mở rộng thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng; khai thác có lộ trình các thị trường lớn như châu Âu, Úc, Mỹ và Trung Đông…

Ngoài ra, phát triển du lịch Đà Nẵng theo định hướng xây dựng vùng du lịch có thương hiệu hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao trong khu vực và phát triển bền vững, với 3 nhóm sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch biển với các mô hình nghỉ dưỡng đa dạng; du lịch MICE với việc tổ chức các sự kiện quốc tế và môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao; du lịch sinh thái tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng…

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và hàng không; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin E-marketing để tăng cường nguồn lực, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước…

Hiện Đà Nẵng có 785 cơ sở lưu trú, 35.615 phòng với sự có mặt của nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới như: InterContinental, Novotel, Marriott, Hilton, Sheraton, Pullman…
"Phát triển du lịch Đà Nẵng theo định hướng xây dựng vùng du lịch có thương hiệu hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao trong khu vực và phát triển bền vững, với 3 nhóm sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch biển với các mô hình nghỉ dưỡng đa dạng; du lịch MICE với việc tổ chức các sự kiện quốc tế và môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao; du lịch sinh thái tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng…”
 
Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH, Phó Giám đốc Sở Du lịch

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.
.