Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may của Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Tác động của hiệp định này đối với các doanh nghiệp có sự phân định khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất là các doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục hỗ trợ về mặt bằng, hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội… để thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh bứt tốc trước cơ hội “vàng” này.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những bài toán quan trọng đối với ngành dệt may nhằm tăng sức cạnh tranh, tận dụng tốt cơ hội khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3: Hỗ trợ về giá thuê mặt bằng, nhà ở cho công nhân
Đối với Công ty CP Dệt may 29-3, tác động tích cực của CPTPP trong việc hưởng các ưu đãi về thuế quan không quá lớn, bởi lẽ thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ và các nước châu Âu, khu vực không tham gia vào CPTPP. Tuy nhiên, thách thức là điều có thể nhận thấy khi yêu cầu về hàng rào bảo hộ của khách hàng ngày càng khắt khe về chất lượng và độ tinh xảo trong từng sản phẩm. Điều này yêu cầu chúng tôi phải tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cũng như tìm kiếm các lao động có tay nghề cao. Thực tế, lao động tại Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh, thành phố lân cận nói chung, những năm qua chưa có nhiều sự cải thiện đáng kể về tay nghề.
CPTPP cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên có lợi thế lớn, khi hàng chục quy định của hàng rào thuế quan được cắt giảm, dẫn đến việc giảm chi phí, giảm giá sản phẩm, điều này sẽ tạo sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Mặc dù chưa có nhiều thị trường là các nước nằm trong khối CPTPP, nhưng chúng tôi cũng có kế hoạch để khai thác các lợi thế từ việc nước ta tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới này.
Để giúp cho doanh nghiệp phát triển hơn, chúng tôi mong muốn thành phố đẩy nhanh giải quyết những bất cập trong việc lưu thông hàng hóa trên đường Ngô Quyền; có chính sách hỗ trợ cho công nhân thuộc doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp như chúng tôi có cơ hội được thuê nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp; hạ giá thuê mặt bằng… Đặc biệt, năm 2019, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, bên cạnh việc ưu ái cho các nhà đầu tư mới thì cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã gắn bó lâu dài với thành phố.
Bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ: Đẩy mạnh khai thác nguồn cung nguyên vật liệu
Hiệp định CPTPP không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa; mở cửa thị trường dịch vụ; sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như: lao động, môi trường… Dệt may được coi là một trong những ngành mũi nhọn, có nhiều cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP. Tuy nhiên, các thị trường truyền thống của ngành dệt may, trong đó có quốc gia tham gia vào hiệp định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Chile… ngày càng khắt khe hơn trong việc tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường…
Hiện nay, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã xuất khẩu sản phẩm dệt may qua nhiều quốc gia tham gia vào Hiệp định CPTPP nên CPTPP mở ra cho chúng tôi những cơ hội lớn về mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu. Song, cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp phải đổi mới về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng tay nghề lao động…
Vấn đề cốt lõi mà chúng tôi phải tập trung thực hiện là đẩy mạnh khai thác nguồn cung nguyên vật liệu từ trong nước cũng như nhập từ các nước cùng tham gia trong hiệp định nhằm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường mới như Canada và Australia; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước thông qua dòng thời trang trung và cao cấp Merriman. Để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ thành phố về mặt bằng, tuyển dụng công nhân…
HOÀNG LINH (ghi)