Sau thành công của chương trình “Tọa đàm mùa Xuân” lần thứ nhất tổ chức vào tháng 3-2018, “Tọa đàm mùa Xuân” lần thứ hai dự kiến diễn ra ngày 1-3. Giữa hai lần tổ chức là khoảng thời gian cần thiết để lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân, nhà đầu tư, các hiệp hội suy ngẫm và nhìn nhận lại một cách thẳng thắn những gì đã đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục.
Những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế về công tác thu hút đầu tư trong năm 2018 sẽ là tiền đề quan trọng để Tọa đàm mùa Xuân 2019 hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả hơn. |
Chuyển biến từ “Hội nghị Diên Hồng” cho doanh nghiệp
Dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, chương trình “Tọa đàm mùa Xuân 2018” với hơn 600 đại biểu đại diện cho các hội, hiệp hội DN, nhà đầu tư cùng ngồi lại để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, các vướng mắc cũng như hiến kế, đề xuất nhằm chung tay xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và tốt hơn.
Sự kiện này cùng với thực hiện chủ đề năm 2018 “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” đã nâng cao chất lượng thu hút đầu tư với kết quả khả quan, nhất là thu hút đầu tư FDI năm 2018 của thành phố tăng về cả số lượng dự án lẫn tổng vốn so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, lũy kế đến ngày 31-12-2018, đã có 322 dự án trong nước được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là 95.876 tỷ đồng và 688 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.014,69 triệu USD. Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 6.340 tỷ đồng; có 135 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 285,8 triệu USD, tăng trên 235,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiếp nối thành công và hiệu ứng của chương trình, một loạt các diễn đàn, hội thảo được tổ chức trong và ngoài nước, điển hình như “Hội thảo PCI Đà Nẵng” (5-2018), “Lễ công bố Sách trắng 2018” (6-2018), “Gặp gỡ Doanh nghiệp” (7-2018)...; thông qua đó, thành phố tiếp nhận gần 300 kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN, phần lớn đã được phản hồi thỏa đáng.
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được thành phố thực hiện cũng như tổ chức khoảng 11 đoàn đi khảo sát và xúc tiến đầu tư nước ngoài; tiếp và làm việc với khoảng 300 đoàn nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, châu Âu... đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.
Thành phố đẩy mạnh tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm, dự án hình thức công tư (PPP) như: Dự án đầu tư cảng Liên Chiểu (quy mô 220ha); dự án mở rộng sân golf Bà Nà của Công ty CP Sân golf Bà Nà Suối Mơ (diện tích khoảng 600ha); dự án Khu đô thị đại học; dự án vùng trồng rau quả an toàn ứng dụng công nghệ thủy canh của Công ty CP Xây dựng Greentech và dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Hapras Việt Nam; dự án Khu Công viên phần mềm số 2...
Thành phố đang thí điểm đầu tư các bãi đỗ xe nổi, thông minh; xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho 24 dự án PPP với tổng mức đầu tư kêu gọi ước tính khoảng 39.500 tỷ đồng…; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư như triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới dành cho các DN nhỏ và vừa…; rà soát, công bố quy hoạch, quỹ đất để kêu gọi đầu tư; xem xét đưa ra giá thuê đất tham khảo để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tính toán chi phí đầu tư; hoàn thiện cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư…
Theo ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng, từ sau Tọa đàm mùa Xuân 2018, hai vấn đề cần được quan tâm trong ngành CNTT đó là: thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho DN CNTT phát triển thông qua các chính sách, không gian làm việc - đã được quan tâm giải quyết với những tín hiệu tích cực. Nổi bật nhất là sự quan tâm thiết thực của chính quyền thành phố đối với vấn đề cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp CNTT. Ngoài Khu Công viên phần mềm hiện hữu trên đường Quang Trung (quận Hải Châu), thành phố còn đang xúc tiến xây dựng thêm Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm số 2…
Còn theo ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, 16 kiến nghị, đề xuất ở tất cả các chương trình mà Hội Doanh nhân trẻ chuyển đến, có 7 ý kiến phản hồi khá thỏa đáng.
Vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn
Mặc dù số lượng dự án thu hút đầu tư trong năm 2018 tăng so với năm 2017, tuy nhiên số lượng dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Tác động chuyển giao công nghệ nguồn của các dự án FDI, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa DN FDI và DN địa phương còn thấp. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn nhân lực vẫn chưa giải quyết hiệu quả nên ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào thành phố.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố, dù các kiến nghị được hiệp hội phản ánh lên đều có văn bản trả lời cụ thể, tuy nhiên, có 2 nội dung quan trọng nhất lại chưa giải quyết được, đó là vướng mắc đất đai của DN đã thuê lâu năm và thiếu quỹ đất để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, thành phố đã có kế hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, nhưng vẫn “nằm ở thì tương lai”.
Trong báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cũng phân tích rõ các nguyên nhân khiến công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong năm 2018 chưa thực sự đạt như kỳ vọng. Trong đó, chủ yếu do quỹ đất trong và ngoài khu công nghiệp ít ỏi, chính sách ưu đãi hạn chế hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận, dịch vụ tài chính - ngân hàng chưa phát triển… Ngoài ra, còn có những nguyên nhân mang tính chung của cả nước như: hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều chồng chéo, mức lương vùng của Đà Nẵng ngang bằng với các địa phương lân cận (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) nên nhiều người lao động quyết định làm việc tại địa phương thay vì đến Đà Nẵng để tìm việc làm.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA – KHANG NINH