Xúc tiến, kết nối du lịch là cần thiết

.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, hoạt động xúc tiến, khảo sát (gọi tắt là famtrip) là việc nên làm thường xuyên, liên tục bởi sẽ giúp những người làm du lịch hiểu được chất lượng dịch vụ của điểm đến và kết nối được với nhau. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào chiều sâu và có chất lượng, ngoài vai trò của các DN du lịch cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương của cả nơi đi và nơi đến thì mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Các chuyến famtrip rất cần thiết để các đơn vị du lịch kết nối dịch vụ, hình thành sản phẩm tour. Trong ảnh: Các doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng trong một chuyến đi khảo sát dịch vụ tại Phú Quốc, (Kiên Giang).
Các chuyến famtrip rất cần thiết để các đơn vị du lịch kết nối dịch vụ, hình thành sản phẩm tour. Trong ảnh: Các doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng trong một chuyến đi khảo sát dịch vụ tại Phú Quốc, (Kiên Giang).

Ông Lê Công Hòa, Giám đốc Trung tâm Điều hành Du lịch Công đoàn Đà Nẵng: Phải biết được dịch vụ trước khi bán sản phẩm cho khách

Những chuyến đi famtrip sẽ tạo được cơ hội cho DN làm du lịch, đặc biệt trong việc kết nối với những đối tác ở điểm đến. Vì thực tế, những chuyến đi famtrip chính là chuyến đi khảo sát, trực tiếp trải nghiệm chất lượng các dịch vụ của điểm đến như: ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí, đi lại… để về lên chương trình, kế hoạch bán sản phẩm cho khách. Phải hiểu và biết được sản phẩm đó như thế nào để tư vấn, giới thiệu cho khách hàng biết. Những chuyến đi khảo sát như thế này không chỉ mang lại lợi ích cho một phía đi xúc tiến, mà ở cả hai chiều sau khi đã có sự kết nối. Tuy nhiên, để những chuyến đi famtrip hiệu quả thì nên có sự kết hợp giữa các bên, cả DN, cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác… vì nếu chỉ một mình DN thì sẽ không thể làm được một cách hiệu quả và rất khó để duy trì lâu dài ở các bên.

Ông Hồ Thanh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu Việt (Adventure): Giúp doanh nghiệp du lịch đánh giá được tiềm năng của điểm đến

Thông qua những chuyến đi khảo sát, famtrip sẽ giúp những người làm trong lĩnh vực du lịch đánh giá được thực tế cũng như tiềm năng của điểm đến. Những chuyến đi khảo sát chính là cầu nối, tạo được sự thuận lợi cho các DN trong việc kết nối với các đối tác của điểm đến. Nhưng với bất kỳ chuyến đi famtrip tới một điểm đến nào thì vẫn rất cần sự kết nối, hợp tác của các DN ở cả hai đầu-tức là ở phía đi và phía đến. Hầu hết các DN trên địa bàn thành phố sau khi đi famtrip về đều có những tín hiệu tốt, DN có các nhìn thực tế, khách quan về sản phẩm, dịch vụ cũng như tìm kiếm đối tác.

Các chuyến famtrip đều rất cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành trong việc kết nối với các thị trường khác để hỗ trợ đẩy mạnh việc kết nối trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, tìm kiếm các thị trường tiềm năng, duy trì sự liên kết, hợp tác giữa các bên bởi phải có sự đối lưu khách giữa các thị trường thì mới có sự hợp tác bền vững được.

Ông Phạm Đình Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hoàng Anh Việt: Hướng tới lợi ích cao nhất dành cho du khách

Sản phẩm du lịch nghe thì rất mơ hồ, nhưng “trăm nghe không bằng một thấy” tức là, mình phải được trải nghiệm dịch vụ đó, trực tiếp gặp được các đối tác để kết nối, đây là điều rất cần thiết. Mục đích chính của những người làm du lịch là hướng tới lợi ích cao nhất dành cho du khách, đáp ứng nhu cầu hưởng lợi của du khách khi đi du lịch là được hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, một chuyến famtrip hiệu quả và thành công thì nên có sự bắt tay, hợp tác sâu hơn nữa về phía chính quyền các địa phương, tức là nên có những buổi làm việc để hỗ trợ sâu hơn cho các DN. Ví dụ như tạo ra môi trường du lịch tốt, văn minh, đưa ra những quyết sách phù hợp… khi đưa khách đến sẽ có phản hồi tốt về dịch vụ thì việc kết nối, hợp tác sẽ bền vững, lâu dài.

Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Travel Mart: Kết nối hình thành những sản phẩm du lịch phù hợp:

Nhờ những chuyến đi khảo sát mà những người làm du lịch nói chung có được cái nhìn tổng quát về điểm đến. DN của điểm đi kết nối được các dịch vụ cung ứng của điểm đến, các đối tác gặp nhau sẽ cho ra được những sản phẩm du lịch phù hợp. Ngoài việc giao lưu các bên còn hợp tác, cụ thể hóa bằng cách gặp gỡ, bàn bạc chính sách giá, chương trình tour, thiết kế chương trình tour phù hợp giữa bên đặt ra nhu cầu và bên cung ứng dịch vụ…

Thực tế, sau mỗi chuyến famtrip về thì các sản phẩm được chỉn chu hơn, gần với nhu cầu của khách hàng hơn. Những chuyến đi như thế này, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, vì có những vấn đề giữa chính quyền và DN chưa “gặp nhau” thì thông qua những hoạt động này, DN được nói lên những mong muốn, nhu cầu, các vấn đề còn khó khăn trong quá trình đi khảo sát. Đây cũng là dịp để DN cởi mở, chia sẻ quan điểm, mong muốn để phát triển lâu dài…

THU HÀ ghi

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.