Là Khu Công nghệ cao (CNC) thứ 3 của cả nước, đạt chuẩn quốc gia, trong hơn 8 năm qua, Khu CNC Đà Nẵng không ngừng được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù... nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón “làn sóng” đầu tư.
Với chủ trương của Nghị quyết 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế của Đà Nẵng là công nghiệp CNC, công nghiệp sạch và công nghiệp thông minh, cảng biển và dịch vụ logistics..., Khu CNC đóng vai trò quan trọng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.
Cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao đang được hoàn thiện dần để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Trong ảnh: Hệ thống cơ sở hạ tầng của dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) được đẩy nhanh tiến độ. |
Để ngày càng thể hiện vai trò đó, ông Phạm Trường Sơn, Phó Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng cho biết:
- Đến nay, Khu CNC đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho giai đoạn 1 và 2 gồm: giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng, hệ thống giao thông, thoát nước, hệ thống điện, cấp nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải… với vốn đầu tư 2.347 tỷ đồng. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản đang gấp rút thực hiện và hoàn thành 85% hạ tầng của giai đoạn 1 của dự án (406ha) và 65% hạ tầng của giai đoạn 2 (217ha) từ nguồn vốn ngân sách.
Giai đoạn 3 của dự án (506ha) chủ yếu để bố trí xây dựng các khối nhà ở chuyên gia và nhà ở công nhân (không bố trí đất sản xuất). Trước mắt, thành phố chỉ triển khai đầu tư tuyến đường bao hồ Hòa Trung để kết nối giao thông giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2, phần còn lại của giai đoạn 3 sẽ triển khai đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Diện tích đất sản xuất có thể cho thuê theo quy hoạch đến nay là 338,19ha. Diện tích đất sản xuất đã cho thuê 85,1ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 25,69%.
Lũy kế đến nay, đã có 17 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, trong đó có 8 dự án FDI với vốn đầu tư 258 triệu USD và 9 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với vốn đầu tư 172 triệu USD, trong đó có dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC - Hoa Kỳ. Hiện nay, Khu CNC Đà Nẵng được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu… Chúng tôi kỳ vọng rằng, Khu CNC Đà Nẵng là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ cao trong thời gian đến.
* Việc phát triển Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đặt trong tổng thể phát triển của Đà Nẵng theo định hướng Nghị quyết 43/NQ-TW có ý nghĩa như thế nào, nhất là với các mũi nhọn kinh tế mới gồm cảng biển và logistics?
- Để tiếp tục bứt phá, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đã quyết định đầu tư xây dựng Khu CNC nhằm tạo ra môi trường thuận lợi, hấp dẫn cả về hạ tầng kỹ thuật, chính sách ưu đãi đầu tư để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Lãnh đạo thành phố luôn xác định việc đầu tư Khu CNC là yếu tố cốt lõi, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế thành phố. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chọn Khu CNC Đà Nẵng làm nơi thí điểm tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới. Nhất là sau khi Nghị quyết 43/NQ-TW được ban hành, thì vai trò và “sứ mệnh” của Khu CNC càng hiện hữu rõ nét.
Riêng đối với việc phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng có vị trí chiến lược nằm ở trung điểm của cả nước - đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây cộng với Biển Đông là cửa ngõ giao thương… nên thành phố đã hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để cảng biển và ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Khi Khu CNC và các KCN được thúc đẩy phát triển thì hàng hóa, sản phẩm đến và đi từ Khu CNC và các KCN đều phải sử dụng dịch vụ logistics và phần lớn phải qua cảng, là cầu nối trong liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ. Với việc triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu, quy hoạch và phát triển các trung tâm logistics của thành phố sẽ có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và Khu CNC và các KCN Đà Nẵng nói riêng.
* Vậy để phát triển công nghiệp CNC - một trong 3 trụ cột chính của kinh tế Đà Nẵng, thì cần thêm những cơ chế đặc thù gì cho Khu CNC?
- Để phát triển công nghiệp CNC thì cần có cơ chế, chính sách đặc thù như: chính sách để huy động và xã hội hóa một số khu chức năng trong Khu CNC. Cụ thể là, khu ở dành cho chuyên gia và người lao động, khu nghiên cứu ươm tạo và hoạt động sáng tạo khởi nghiệp; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thuế thu nhập cá nhân.
Song song đó, tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như: xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tăng cường thu hút các dự án công nghiệp CNC theo định hướng phát triển của thành phố; đẩy nhanh tiến độ thủ tục mở rộng Khu CNC; triển khai hiệu quả Đề án tổng thể phát triển Khu CNC đến năm 2030, Đề án thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp CNC tại Khu CNC; hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, ươm tạo, khởi nghiệp; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để thu thập các ý kiến, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; thực hiện thường xuyên công tác cải cách hành chính…; từ đó rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp; xây dựng, phát triển đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, coi doanh nghiệp và nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ.
* Xin cảm ơn ông!
KHÁNH HÒA thực hiện