Đợt thiếu nước sinh hoạt xảy ra trên diện rộng trong những ngày qua đáng ra có thể không xảy ra hoặc giảm bớt nếu như có sự phối hợp thường xuyên, chủ động giữa các chủ hồ thủy điện và các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng.
Từ thực tế người dân bức xúc vì thiếu nước trong thời gian qua cho thấy sự thiếu chủ động của các đơn vị, ngành liên quan trong việc tham mưu, xây dựng các công trình bảo đảm nguồn nước thô. Đặc biệt, từ nay đến năm 2021, thành phố vẫn có nguy cơ cao xảy ra thiếu nước sinh hoạt do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn vì trong 12 năm qua, gần như chưa xây dựng hoàn thành một công trình phòng mặn mới nào.
Ngay từ sáng 16-8, mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã xuống mức 2,16m, thấp hơn cao trình quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (gọi tắt là Quy trình 1537) đến 0,5m. Đáng lý, ngay khi nhận thấy mực nước sông Vu Gia hạ thấp, các cơ quan chức năng của thành phố phải theo dõi mực nước vào sáng hôm sau (17-8) để chủ động đề nghị các hồ thủy điện xả nước đúng quy định tại Quy trình vận hành 1537 hoặc xả thêm nước để có nguồn nước về đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.
Tuy nhiên, từ ngày 17 đến 20-8, khi sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng và đã xuất hiện tình trạng nước yếu, thiếu nước sinh hoạt, các hồ thủy điện vẫn tiếp tục giảm xả nước. Một số chủ hồ chứa không những vi phạm Quy trình 1537 mà tiếp tục làm cho mực nước sông Vu Gia càng hạ thấp và hạ thấp xuống mức kỷ lục: 1,74m vào sáng 21-8, càng khiến cho độ mặn của sông Cầu Đỏ gia tăng, diện thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố càng lan rộng.
Việc các hồ thủy điện vi phạm Quy trình 1537 liên tiếp trong nhiều ngày cũng như trách nhiệm theo dõi, tham mưu của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố và việc để xảy thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng trong những ngày qua là vấn đề cần bàn thảo để từ đó có giải pháp khắc phục. Đồng thời, trách nhiệm của các chủ hồ thủy điện với hạ du cũng cần đặt một dấu hỏi, khi kể từ ngày 17-8, nếu như nhận thấy mực nước sông Vu Gia hạ thấp, các hồ thủy điện chỉ cần xả thêm nước thì không đến nỗi xảy ra nhiễm mặn nặng và thiếu nước sinh hoạt như những ngày qua.
Đáng nói, ngay trong ngày 20-8, phóng viên của Báo Đà Nẵng đã đặt vấn đề về phương án huy động hồ thủy điện A Vương xả nước khẩn cấp với lưu lượng tối đa 70m3/s trong 24 giờ kết hợp với hồ thủy điện Đak Mi 4 xả nước để đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ, nhưng đã vấp phải sự phản đối.
Thế nhưng, tại cuộc họp vào trưa 21-8, phương án này được đưa ra và được thống nhất vận hành thực tiễn từ 15 giờ chiều cùng ngày. Những điều này cho thấy sự thiếu chủ động của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cũng như các sở, ngành của thành phố trong việc đề xuất, tham mưu trong chỉ đạo, điều hành nhằm tránh để xảy ra thiếu nước sinh hoạt cho thành phố.
Công trình đường ống truyền tải nước thô qua sông Cầu Đỏ được UBND thành phố chỉ đạo Dawaco thi công, hoàn thành trong tháng 5-2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nếu công trình này hoàn thành đúng như cam kết lần cuối của lãnh đạo Dawaco là từ ngày 15 đến 20-8, thì tình hình thiếu nước sinh hoạt không đến nỗi xảy ra trên diện rộng như những ngày qua vì có thêm trữ lượng nước đến 30.000m3/ngày được cấp bổ sung từ đập dâng An Trạch.
Nhìn rộng ra, trong 12 năm qua, dù gần như năm nào cũng xảy ra nhiễm mặn, thiếu nước nhưng chưa có thêm bất kỳ một công trình phòng mặn hay khai thác nguồn nước mới được hoàn thành. Dự kiến đến đầu năm 2021, trước khi các công trình đường ống truyền tải nước thô và Nhà máy nước Hòa Liên được hoàn thành, thành phố có vẫn có nguy cơ cao xảy ra nhiễm mặn nặng và thiếu nước.
Trong lúc thời tiết vẫn tiếp tục diễn ra nắng nóng dai dẳng khác thường như vậy, điều cần kíp ngay bây giờ là sớm có một cơ chế chủ động phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố và các chủ hồ thủy điện nhằm chủ động vận hành điều tiết hồ chứa hợp lý, nhằm tránh xảy ra thiếu nước sinh hoạt cho thành phố do nhiễm mặn.
HOÀNG HIỆP