Đồ chơi trẻ em 'made in Việt Nam'

.

Đối với trẻ em, đồ chơi không chỉ để chơi mà còn để làm bạn và học hỏi. Những năm gần đây, tại Đà Nẵng đã có một số dự án khởi nghiệp chuyên thiết kế và sản xuất đồ chơi giáo dục “made in Việt Nam”, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các gia đình có con nhỏ.

Cuộc đua robot STEM của AI Fablab thu hút nhiều người xem.
Cuộc đua robot STEM của AI Fablab thu hút nhiều người xem.

Tại gian hàng triển lãm của AI Fablab trong khuôn khổ Ngày hội Môi trường biển vừa được tổ chức ở Đà Nẵng vào đầu tháng 8, rất đông các em thiếu nhi và cả người lớn chăm chú đứng xem trận đua quyết liệt giữa... hai chú robot xe tăng được điều khiển bằng giọng nói. Mỗi robot “cầm” một cây dừa giấy, “trèo núi băng sông” để về đích. Trò chơi khiến các em nhỏ hào hứng, chờ đến lượt mình hô khẩu lệnh để điều khiển robot.

Những chú robot xe tăng này là một trong các dòng sản phẩm robot STEM (giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) của Công ty AI Fablab (quận Sơn Trà). Anh Lã Trung Kiên, cựu giảng viên khoa Công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng), người sáng lập AI Fablab cho biết, anh cùng người bạn thân của mình là anh Trần Hoàng (giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật-ĐH Đà Nẵng) thành lập công ty từ tháng 8-2018.

Anh nói: “Từ lâu, chúng tôi đã mong muốn có những sản phẩm chất lượng có thể giúp con mình vừa chơi, vừa học. Các đồ chơi STEM trên thị trường rất nhiều nhưng đa phần là hàng nhập khẩu giá cao, riêng mảng đồ chơi robot STEM thì lại hiếm. Nhận thấy đây là một ngách thị trường tiềm năng, chúng tôi lập ra AI Fablab để thiết kế và chế tạo robot vừa chơi, vừa học”.

Ngoài robot xe tăng có chức năng điều khiển và di chuyển như xe thông thường, hiện AI Fablab còn có robot cánh tay máy có thể điều khiển, di chuyển và gắp vật thể; robot hình người có tất cả các chức năng di chuyển, mô phỏng hoạt động của con người.

Đặc biệt, các robot được thiết kế giống như trò chơi lego, người chơi phải lắp ghép theo hướng dẫn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Các sản phẩm thậm chí có thể được lắp ráp với nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới.

Để điều khiển robot, các em sử dụng ứng dụng lập trình đơn giản dành cho trẻ em trên điện thoại thông minh. “Với sản phẩm này, các em nhỏ được tiếp cận với robot, STEM và lập trình như những trò chơi đầy hứng thú”, anh Kiên nói.

Bắt đầu từ năm 2018, Công ty TNHH Công nghệ Things Changing (quận Thanh Khê) sản xuất và cho ra mắt các đồ chơi STEM dành cho trẻ em. Anh Trần Ngọc Việt, giám đốc công ty kể, ý tưởng về làm đồ chơi STEM xuất phát từ việc cậu con trai 7 tuổi của anh thường “đòi” ba chơi cùng mỗi tối. Là kỹ sư, lại có kinh nghiệm và đam mê với robot từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), anh Việt quyết định tập trung vào lĩnh vực này để khởi nghiệp.

Sau hơn 1 năm, hiện Things Changing đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm đồ chơi STEM lắp ráp và robot STEM không chỉ cho các khách hàng cá nhân mà còn cho các trường học, trung tâm dạy STEM trên khắp cả nước.

Anh Việt cho biết: “Ban đầu, các dòng trò chơi lắp ráp của Things Changing đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc khi họ có mẫu mã đa dạng, giá cả cũng rẻ. Song sau một thời gian, chúng tôi rút ra bài học rằng các mặt hàng càng đơn giản thì càng nhiều người làm được, muốn tạo lợi thế cạnh tranh phải tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm.” Đối với anh Việt, điều “đau đầu” nhất là tìm ý tưởng cho các sản phẩm mới. Do vậy, anh và các đồng sự của mình phải thường xuyên đọc tài liệu, theo dõi các trang web, cộng đồng giáo dục STEM quốc tế.

Theo anh Việt và anh Kiên, đồ chơi STEM đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong các gia đình trẻ. Dù có mức giá tương đối cao hơn so với đồ chơi thông thường (từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng), song các bậc cha mẹ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua cho con bởi các lợi ích giáo dục mà chúng mang lại. Hiện các dự án khởi nghiệp về đồ chơi trẻ em này đang tích cực xúc tiến để mở rộng ra thị trường nước ngoài, dần dần xây dựng thương hiệu đồ chơi “made in Việt Nam” vừa hấp dẫn, vừa có giá trị giáo dục.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.