Dự án Nhà máy nước (NMN) Hòa Liên đang được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị khởi công (dự kiến giữa tháng 10 - 2019) và triển khai thi công hàng loạt các hạng mục công trình phụ trợ. Công tác giải phóng mặt bằng đang được xử lý “cuốn chiếu”, vướng mắc đến đâu kịp thời tháo gỡ đến đó.
Đoạn sông Bắc thuộc thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, nơi dự kiến xây dựng hồ chứa nước để phục vụ cấp nước cho Nhà máy nước Hòa Liên trong tương lai. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên (huyện Hòa Vang) có tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên với công suất là 120.000m3/ngày cung cấp bổ sung nguồn nước sạch cho các nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng, phạm vi phục vụ là cung cấp nước sạch cho các khu vực các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và huyện Hòa Vang đến năm 2020.
Dự án với quy mô đầu tư xây dựng như sau: xây dựng đập tràn thu nước trên sông Cu Đê nhằm mục đích khai thác nước thô với công suất giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày; trạm bơm nước thô giai đoạn 1 công suất 120.000m3/ngày; tuyến ống chuyển tải nước thô D1400 giai đoạn 1 hoạt động với công suất 120.000m3/ngày và có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng trong giai đoạn 2 với công suất 240.000m3/ngày.
Nhà máy xử lý có công suất xử lý giai đoạn 1 là 120.000m3/ngày và mở rộng quy hoạch cho giai đoạn 2 với công suất 240.000m3/ngày. Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2021.
Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết, về tiến độ triển khai liên quan đến hoạt động thi công, đơn vị đang khẩn trương thực hiện cùng lúc 4 hạng mục: khu vực Nhà máy nước Hòa Liên; đập dâng và trạm bơm nước thô; xây dựng lòng hồ chứa nước và tuyến ống truyền dẫn.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đền bù, giải tỏa
Tại khu vực thi công Nhà máy nước Hòa Liên có 200 hồ sơ và 116 ngôi mộ cần giải tỏa. Đến nay công tác đền bù giải tỏa đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm có mặt bằng để tổ chức thi công.
Theo ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, huyện và UBND xã Hòa Liên đã tích cực giải quyết các thủ tục cũng như vướng mắc, tích cực tiếp dân và vận động các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng sớm.
Đến giữa tháng 9-2019, tại vị trí xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên đã có đủ mặt bằng để tổ chức khởi công xây dựng. “Hiện nay, mặt bằng để phục vụ việc đổ đất san lấp, xây dựng nhà máy xử lý nước đã sẵn sàng cho việc khởi công. Xã Hòa Liên đang tích cực vận động một số hộ giải tỏa có nhà, đất và mồ mả nằm trong phạm vi các công trình phụ trợ như: sân bãi, tường rào…, sớm bàn giao mặt bằng”, ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay
. Khu vực đập dâng và trạm bơm nước thô Nam Mỹ, xã Hòa Bắc có 8 hồ sơ giải tỏa và đang thực hiện kiểm định áp giá trị đền bù. Khu vực lòng hồ tại đập dâng Nam Mỹ, xã Hòa Bắc còn vướng mắc về công tác kiểm định, xét tính pháp lý đối với 20 hồ sơ giải tỏa ở tình trạng đất vắng chủ.
Người dân đã tháo dỡ nhà cửa, bảo đảm mặt bằng để khởi công dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Về mặt bằng, mặt bằng thi công tuyến ống truyền dẫn nước thô từ Nam Mỹ, xã Hòa Bắc về Nhà máy nước Hòa Liên hiện được tiến hành “2 trong 1”, tức là vừa thi công cấp nước vừa thi công sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐT 601.
Về giải pháp phối hợp thi công, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị chủ dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT 601) cho hay: “Hiện nay, Ban Quản lý đang trình thẩm định thiết kế công trình đường ĐT.601, sau đó mới tổ chức lựa chọn nhà thầu nên dự kiến đến tháng 12-2019 mới khởi công xây dựng đường.
Ban Quản lý sẽ tạo điều kiện cho đơn vị thi công tuyến ống chuyển tải nước thô về Nhà máy nước Hòa Liên thi công trước một bước rồi mới thi công các hạng mục của đường.
Theo đó, đường ống chuyển tải nước thô sẽ được lắp đặt ở độ sâu dưới hạng mục cống thoát nước ngang qua đường. Do đường kính của ống chuyển tải nước thô quá lớn nên lắp đặt dưới lòng đường ĐT 601, không thể lắp đặt ở vỉa hè được vì có nhiều đoạn có lề đường rất hẹp, không có vỉa hè”.
Công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường truyền dẫn nước thô cũng được các đơn vị liên quan phối hợp xử lý kịp thời. Các Ban QLDA và UBND huyện Hòa Vang thống nhất tiến độ xử lý hoàn thành việc giải phóng mặt bằng theo từng đoạn. Hiện đã có 4/8 đoạn đã có mặt bằng để tổ chức thi công.
Ông Nguyễn Hữu Hinh cho rằng Hội đồng thẩm định giá đất cần sớm phê duyệt đơn giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất để các đơn vị liên quan xét tính pháp lý, áp giá, phê duyệt giá trị đền bù qua tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng này.
Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 230.000m3 lên 290.000m3/ngày Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định chấp thuận cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thực hiện dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 230.000m3/ngày lên 290.000m3/ngày nhằm cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của thành phố. Dự án bao gồm: trạm bơm nước thô, lắp đặt máy bơm và các thiết bị kèm theo thêm công suất 63.000m3/ngày; xây dựng đơn nguyên xử lý mới công suất 63.000m3/ngày đặt tại khu đất nhà hành chính hiện hữu, cách đơn nguyên xử lý của phân kỳ 1 khoảng 5m; trạm bơm nước sạch: lắp đặt máy bơm và các thiết bị kèm theo thêm công suất 60.000m3/ngày; các đường ống kỹ thuật, thoát nước kèm theo. Dự án có thời gian hoạt động 20 năm, bắt đầu triển khai từ quý 4-2019 đến quý 4-2020 với tổng vốn đầu tư 136,2 tỷ đồng. DÂN HÙNG |
HOÀNG HIỆP – TRIỆU TÙNG