Hôm nay (25-12), tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị “Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2030”.
Công nghiệp được xem là trụ cột trong định hướng cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Nam những năm qua đã có sự chuyển đổi theo hướng tăng năng suất lao động, tăng quy mô nền kinh tế.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, cơ cấu kinh tế hiện nay ở nhiều địa phương được hiểu một cách lệch lạc. |
Sau gần 23 năm tái lập tỉnh Quảng Nam, quy mô nền kinh tế ước tăng hơn 34 lần. 3 năm trở lại đây, kinh tế địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 13%/ năm. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của địa phương thiếu ổn định. Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng sản phẩm xã hội đạt mức bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2030 khoảng 10,5%/ năm.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Quảng Nam hiện đang đối mặt với những thách thức lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng nông thôn kết nối chưa đồng bộ, thu nhập đầu người chưa đồng đều.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, phát triển bền vững là sự chia sẻ tăng trưởng cho mọi người, không để ai tụt hậu. Bài toán để phát triển hài hòa về phương diện kinh tế, xã hội, môi trường cần phải được đặt ra một cách thận trọng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo.
“Nếu công nghiệp chiếm 90% nhưng lao động chủ yếu vẫn là nông nghiệp hoặc là những kiểu lao động dịch vụ, buôn gánh bán bưng thì không thể nào có tỉnh công nghiệp được. Do đó, tôi nghĩ rằng, tái cơ cấu này cái gốc khó nhất tôi nghĩ rằng chuyển dịch cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng. Đó là vấn đề”, Tiến sĩ Trần Du Lịch phân tích.
Theo VOV.VN