Nhằm bình ổn giá cả, thị trường, ổn định mục tiêu CPI đề ra dưới 4%, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm không điều chỉnh bất cứ mặt hàng nào do Nhà nước quản lý.
Trung tâm thương mại ở Hà Nội vắng vẻ lạ thường trong những ngày có Covid-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt.
Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu dùng giảm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm; nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.
Tổng cục Thống kê dự báo trường hợp Covid-19 kết thúc ở quý 1, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý 2 (so với kịch bản ngày 31-1-2020).
Nếu dịch tiếp tục diễn biến sang quý 2, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.
Theo kịch bản 1 là giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng.
Ảnh hưởng của Covid-19 kết thúc ở quý 1, CPI tháng 2 và tháng 3 sẽ giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình tác động làm tăng CPI trong cả năm 0,35%. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.
Theo kịch bản 2 là giả thiết như kịch bản 1 nhưng giá thịt lợn bình quân năm 2020 tăng thêm 10% tác động vào CPI cả năm khoảng 0,42%; giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm 5% tác động lên CPI tăng khoảng 0,5%; giá gas tăng 10% ước tính sẽ tác động làm CPI tăng khoảng 0,12%; thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước có thể xảy ra; Covid-19 tiếp tục diễn biến sang quý 2. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Nhằm bình ổn giá cả, thị trường, ổn định mục tiêu CPI đề ra dưới 4% trong năm 2020, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm không điều chỉnh bất cứ một mặt hàng nào do Nhà nước quản lý; đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu, cần sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung nhất là vào các tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến giá cả và có các giải pháp về kiểm soát các dịch bệnh để ổn định nguồn cung thực phẩm, hạn chế tăng giá các mặt hàng này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng từ 2-2,5%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính phối hợp cơ quan liên quan và địa phương thực hiện ngay các giải pháp cụ thể để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng và biện pháp điều hành giá các mặt hàng; kiểm soát chặt chẽ đối với kê khai giá, các yếu tố hình thành giá để tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý; tạo điều kiện nhập khẩu, thông quan nhanh chóng nhất là đối với các hàng hóa là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất phòng chống dịch bệnh; kiểm tra việc thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các sai phạm theo đúng quy định của Luật Giá; đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Công Thương cần tổ chức phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa thị trường trong nước để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tăng cường kiểm tra, phòng chống việc găm hàng, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo trên thị trường.
Theo Vietnam+