Chợ truyền thống chủ động tăng sức cạnh tranh

.

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ vào việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chủ động chuyển đổi cơ cấu ngành hàng hay xây dựng mới các chợ chuyên ngành (chợ đầu mối)... là những giải pháp được triển khai nhằm tạo ưu thế riêng biệt, tăng cường sức cạnh tranh của các chợ truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay phương thức thương mại điện tử.

Chợ truyền thống với giá trị bảo tồn văn hóa từ lịch sử hình thành và phát triển vẫn là nơi thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến tham quan, mua sắm. (Ảnh chụp tại chợ Đống Đa). Ảnh: KHÁNH HÒA
Chợ truyền thống với giá trị bảo tồn văn hóa từ lịch sử hình thành và phát triển vẫn là nơi thu hút một lượng lớn người dân, du khách đến tham quan, mua sắm. (Ảnh chụp tại chợ Đống Đa). Ảnh: KHÁNH HÒA

Xuống cấp sau hơn 20 năm hoạt động, tháng 6-2019, chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) được triển khai xây dựng mới và đến nay đã đi vào hoạt động. Chợ mới An Hải Bắc được xây dựng trong khuôn viên khu chợ cũ có tổng diện tích 2.541m2 với tổng kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách quận chiếm 50%, phần còn lại được huy động từ các hộ kinh doanh trong chợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Thông, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Sơn Trà cho biết, việc quận triển khai xây mới chợ An Hải Bắc nhằm mục tiêu có một cơ ngơi khang trang, tiện ích và an toàn hơn cho hơn 370 hộ kinh doanh, mua bán tại chợ và người dân; đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành chợ dân sinh - du lịch bảo đảm các yêu cầu phục vụ của thành phố du lịch là yêu cầu cấp thiết.

Theo Ban quản lý các chợ quận Sơn Trà, cùng với việc xây mới chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà cũng có chủ trương xây dựng mới thêm chợ Mai (phường Thọ Quang), nâng cấp và sửa chữa lại chợ Phước Mỹ (phường Phước Mỹ), chợ Mân Thái (phường Mân Thái). Trong khi đó, các chợ còn lại được tiếp tục sửa sang, chống dột, chống ngập… nhằm bảo đảm duy trì hoạt động ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khi lượng khách địa phương và ngoại tỉnh, quốc tế đến tham quan, mua sắm tại các chợ truyền thống đang tăng lên đáng kể.

Quận Hải Châu có 12 chợ lớn nhỏ, đây là những chợ dân sinh lớn nhất của thành phố, trong đó có chợ Hàn đã chuyển dần sang chợ du lịch. Để làm được điều này, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn cho biết, ngoài việc đầu tư nâng cấp mới hệ thống cơ sở vật chất như sàn gạch, nhà vệ sinh… bảo đảm sạch sẽ, tiện ích thì vài năm trở lại đây, với chủ trương khuyến khích các hộ tiểu thương chủ động chuyển đổi ngành hàng kinh doanh từ các loại nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sang hàng thời trang, giày dép, quà lưu niệm, may đo lấy sẵn đã tạo được nét riêng biệt, nâng cao sức cạnh tranh, phù hợp với tiêu chí phục vụ khách du lịch mà chợ đề ra. Chính nhờ sự thay đổi nhanh chóng, kịp thời đó, hiện nay chợ Hàn là điểm đến mua sắm của hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, giữ được sự tăng trưởng và “nuôi sống” được ngôi chợ truyền thống có bề dày 80 năm hình thành và hoạt động của thành phố Đà Nẵng.

Cùng với các chợ nói trên, hàng loạt chợ khác ở các quận, huyện như: chợ Đống Đa, chợ Mới (quận Hải Châu), chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang)… liên tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo được diện mạo mới khang trang, tiện ích cũng như chất lượng dịch vụ được nâng lên, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần đem lại những ưu thế riêng biệt cho các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Theo khảo sát của Sở Công thương, hiện nay, toàn thành phố có 73 chợ bán lẻ (chợ đầu mối nông sản Hòa Cường và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng tham gia bán lẻ), với tổng số gần 21.000 hộ kinh doanh, trong đó hơn 15.000 hộ kinh doanh cố định và còn lại là hộ kinh doanh không cố định. Trong đó có 6 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2, 41 chợ hạng 3 và 5 chợ tạm.

Chia theo địa bàn, có 54 chợ ở khu vực nội thành và 19 chợ ở vùng nông thôn với tỷ lệ tương ứng là 73,97% và 26,02%. Bình quân một quận/huyện của thành phố có hơn 10 chợ và bình quân 1 phường/xã có hơn 1, 2 chợ. Địa phương có nhiều chợ nhất là huyện Hòa Vang với 19 chợ, quận Hải Châu và Thanh Khê cùng có 12 chợ; quận Liên Chiểu có 10 chợ; Sơn Trà có 9 chợ; Cẩm Lệ có 6 chợ và quận Ngũ Hành Sơn là 5 chợ. Tỷ trọng phân phối hàng hóa tiêu dùng qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ) chiếm khoảng 50-60% thị trường bán lẻ thành phố.

Nhiều chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ưu thế cạnh tranh. Trong ảnh: Chợ Phước Mỹ, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ưu thế cạnh tranh. Trong ảnh: Chợ Phước Mỹ, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhìn chung, phân bổ của mạng lưới chợ ở các phường/xã của thành phố tương đối đồng đều. Trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của mô hình thương mại hiện đại, chợ truyền thống vẫn giữ được ưu thế riêng do phù hợp với thói quen, nhu cầu mua sắm của người dân; giá trị bảo tồn văn hóa từ lịch sử hình thành và phát triển trong một thời gian dài đi kèm đó là việc góp phần giải quyết được vấn đề dân sinh cho hàng trăm ngàn người lao động vốn mưu sinh gắn liền với chợ.

Tuy nhiên, theo phân tích từ Sở Công thương, hiện nay vẫn còn nhiều chợ đang trong tình trạng xuống cấp, cần được đầu tư mới nhằm đáp ứng được nhu cầu mua sắm, kinh doanh của các tiểu thương cũng như người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, do phần lớn chợ truyền thống kinh doanh theo hình thức tổng hợp nên vô hình chung chưa tạo được những điểm nhấn, nét riêng biệt để có thể tạo sức cạnh tranh với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Để tăng sức cạnh tranh cho các chợ truyền thống, ngoài việc đầu tư xây dựng mới hay nâng cấp, sửa chữa các chợ đã xuống cấp, thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh chủ trương xúc tiến xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước (huyện Hòa Vang) theo hướng là chợ chuyên ngành hàng nông sản; đầu tư xây dựng lại chợ Cồn theo hướng kết hợp giữa chợ truyền thống và thương mại...

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.