Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là điểm sáng thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía cây giữa nhà nông và doanh nghiệp nhưng hiện có khoảng 30ha mía đã đến thời gian thu hoạch mà sức tiêu thụ bị sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái làm cả nhà nông và doanh nghiệp rất lo lắng. Tương tự, chuối từ các nhà vườn cũng khốn đốn vì tiêu thụ chậm.
Cây mía ở xã Hòa Bắc đang vào thời kỳ thu hoạch chính vụ nhưng sức tiêu thụ và thu hoạch sụt giảm 70% vì ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là điểm sáng thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía cây giữa nhà nông và doanh nghiệp nhưng hiện có khoảng 30ha mía đã đến thời gian thu hoạch mà sức tiêu thụ bị sụt giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái làm cả nhà nông và doanh nghiệp rất lo lắng. Tương tự, chuối từ các nhà vườn cũng khốn đốn vì tiêu thụ chậm.
Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp với cây mía sinh trưởng, phát triển cho chất lượng nước mía thơm, ngon và ngọt nên xã Hòa Bắc xác định đây là một trong những loại cây trồng mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo.
Để nâng cao năng suất, chất lượng tạo giá trị cho cây mía, những năm qua, xã Hòa Bắc đã đầu tư hệ thống thủy lợi, giếng khoan, máy bơm và xây dựng đường giao thông vào những thôn trồng mía; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía cho người nông dân; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu mía Hòa Bắc.
Mía cây và nước mía Hòa Bắc được tiêu thụ mạnh ở thị trường thành phố Đà Nẵng và xuất đi các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Nhận thấy trồng cây mía có lợi nhuận lớn và tính ổn định cao, một số doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân để cung cấp giống, phân bón… và thu mua.
Nhờ vậy, trong những năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ mía luôn ổn định, nhất là trong năm 2019. Đến nay, xã Hòa Bắc có đến 170ha đất trồng mía, chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp và đang bước vào thu hoạch chính vụ.
Hiện có khoảng 30ha mía có thời gian trồng từ 9-11 tháng, dù quá thời gian thu hoạch nhưng tư thương và doanh nghiệp chưa đến đặt vấn đề thu mua, làm nông dân như “ngồi trên đống lửa”. Bà Huỳnh Thị Tâm (người trồng mía ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) buồn rầu nói: “Gia đình tôi trồng tổng cộng khoảng 9 sào mía, trong đó có 2/3 diện tích mía đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến liên hệ để thu mua mía.
Nhiều hộ trồng mía khác ở trong thôn cũng đang rất lo lắng vì doanh nghiệp đến thu mua rất chậm, chúng tôi chỉ mới thu hoạch được rất ít và giá thu mua mía tại vườn cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 5.000-10.000 đồng/vác mía. Nếu thu hoạch chậm khoảng hơn 1 tháng thì cả vườn mía sẽ bị hư hỏng, nguy cơ bị chặt bỏ. Trong khi đó, chuối cũng có nhiều buồng đã chín nhưng tiêu thụ cũng chậm vì nhiều trường đang cho học sinh nghỉ học”.
Còn bà Trần Thị Lan (người dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) cho hay: “Tôi trồng mấy sào mía ven sông mà đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng vẫn chưa được thu mua nên rất lo lắng. Nếu không được thu mua thì công chăm sóc gần cả năm chẳng thu được đồng nào”.
Qua tìm hiểu, một số doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía và chuối cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19 gây ra nên khách du lịch đến ít; bên cạnh đó, việc không tổ chức các hoạt động lễ hội lớn, dẫn đến sức tiêu thụ nước mía bị sụt giảm trầm trọng. Việc chậm thu mua mía của nông dân cũng khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.
Doanh nghiệp bỏ kinh phí ra cung cấp giống, phân bón…, thậm chí hỗ trợ cả nhân công chăm sóc mía cho nông dân trong gần cả năm ròng, nếu không thu hoạch, phải chặt bỏ thì cả nông dân và doanh nghiệp đều bị thiệt hại.
“Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày, chúng tôi thu mua 200 vác mía cây. Nhưng hiện nay cứ 2-3 ngày, chúng tôi lái xe lên thu mua chỉ từ 60-70 vác mía do thị trường tiêu thụ quá chậm. Ước tính sức tiêu thụ mía sụt giảm khoảng 70%/ngày.
Chuối cũng tiêu thụ chậm do địa chỉ cung cấp chính là trường học cho học sinh nghỉ học dài ngày. Nếu học sinh và sinh viên đi học bình thường thì mía được tiêu thụ với khối lượng rất lớn”, ông N.Q.H (đại diện một doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ nông sản với nông dân xã Hòa Bắc) cho biết.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thông tin, đến thời điểm này là thu hoạch chính vụ đối với mía, nhưng việc thu hoạch rất chậm vì sức tiêu thụ sụt giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19. Ước tính có khoảng 30ha mía đã đến thời kỳ thu hoạch vẫn chưa được thu mua. Tình trạng này nếu để kéo dài hơn 1 tháng thì nguy cơ mía bị hư hỏng, người nông dân chịu thiệt hại rất cao.
Hiện nay, xã Hòa Bắc đang tập trung công tác phòng, chống Covid-19 và theo dõi sát sao tình hình tiêu thụ mía của nông dân. Nếu tình hình bất lợi tiếp tục kéo dài xã sẽ có đề nghị cấp trên có giải pháp tháo gỡ cho người dân.
HOÀNG HIỆP