QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Triển khai nhanh, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

.

Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều sụt giảm về tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm thời dừng hoạt động. Trước tình hình chung đó, Chính phủ cùng các cấp, ngành Trung ương và địa phương đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các giải pháp trước mắt về tín dụng, chính sách thuế; đồng thời, tính đến các phương án dài hơi nhằm tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong cơ chế, chính sách để phát huy các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi dịch bệnh đi qua.

Bài 1: Bước đầu triển khai “gói” hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi chờ đợi các hướng dẫn cụ thể về các “gói” hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã linh hoạt triển khai bước đầu các giải pháp về hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh thời hạn gia hạn nợ... Tuy nhiên, việc làm này được cân nhắc cẩn trọng để lựa chọn “đúng, trúng” đối tượng nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch của chính sách.

Doanh nghiệp mong chờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương để vượt qua thời điểm khó khăn này. Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp mong chờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương để vượt qua thời điểm khó khăn này. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tích cực vào cuộc

Là một trong những đơn vị nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng đối tác với việc được khoanh nợ gốc trong thời gian từ 23-1 đến 31-3, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cho biết, hơn 1 tháng qua, Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến hoạt động, doanh thu của đơn vị. Nhờ sự vào cuộc kịp thời từ phía các đối tác ngân hàng, áp lực tài chính của công ty đã giảm bớt phần nào. Hiện nay, công ty tiếp tục làm đơn xin xem xét việc giãn nợ thuế nhằm tăng khả năng ứng phó khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong thời gian chờ đợi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về các điều kiện để được nhận hỗ trợ, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, tính từ ngày 20-1 đến ngày 11-3, dư nợ mà các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt hơn 441 tỷ đồng, dư nợ giảm lãi suất đạt 13,6 tỷ đồng, cho vay mới với lãi suất điều chỉnh giảm đạt 48 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, Vietcombank Đà Nẵng đã sớm triển khai gói hỗ trợ khách hàng trên địa bàn từ ngày 10-2 bằng các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu ngắn hạn, trung và dài hạn vay Việt Nam đồng, USD; cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa 1%/năm đối với Việt Nam đồng và 0,5%/năm đối với USD. Thời gian áp dụng từ ngày 11-2 đến hết ngày 30-4-2020, đối tượng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực như: vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (trên 50% nguồn doanh thu) thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, điều quan trọng bây giờ là đốc thúc các ngân hàng thương mại thành viên nhanh chóng gửi các quy định nội bộ của họ để thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, gửi về cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp để triển khai cho hội viên.

Về phía địa phương, thông tin từ ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố Đà Nẵng cho biết, trên tinh thần vận dụng linh hoạt thông tư của Chính phủ, quỹ này đã chủ động đề xuất một số nội dung lên UBND thành phố nhằm giảm lãi suất cho khách hàng. “Chúng tôi đang chờ đợi thành phố xem xét, chỉ cần thông qua sẽ triển khai ngay”, ông Tâm khẳng định.

Ở lĩnh vực thuế, trao đổi nhanh với phóng viên vào chiều 18-3, ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho hay đã nhận được nhiều đơn xin xem xét của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hiện chỉ đợi văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính là triển khai ngay.

Trong khi đó,  để hỗ trợ doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài sang làm việc trong thời gian Covid-19, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố đã chủ động trong việc giải quyết việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đối với  những trường hợp có quốc tịch thuộc các quốc gia/vùng lãnh thổ  có người bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc người có quốc tịch khác, nhưng di chuyển qua các quốc gia/vùng lãnh thổ có người bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi đã vào Việt Nam ít nhất 14 ngày.

Bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng

Cùng với việc tiếp sức nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, một vấn đề khác được đặt ra cho các cấp, ngành là phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng của chính sách. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ mong muốn các đơn vị như: ngân hàng, cơ quan Thuế phải đưa ra được những quy định cụ thể, chi tiết và thông tin công khai các tiêu chí lựa chọn nhằm chọn đúng, trúng đối tượng cần được hỗ trợ.

Một số ngân hàng đã chủ động triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ nhằm giúp đối tác vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh chụp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng). Ảnh: MAI QUẾ
Một số ngân hàng đã chủ động triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ nhằm giúp đối tác vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh chụp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng). Ảnh: MAI QUẾ

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, Chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Không nên làm dàn trải, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách trong khi nguồn lực của quốc gia, địa phương có hạn”. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Hiền, Giám đốc siêu thị Co.opmart Sơn Trà cho rằng, “cần phân chia thứ tự hỗ trợ trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ, trên thực tế, nhiều năm qua đã có những trường hợp doanh nghiệp, người kinh doanh không trung thực trong việc kê khai các tổn thất để trục lợi chính sách của Chính phủ, địa phương. “Chúng tôi đã thành lập Tổ kiểm duyệt và lựa chọn các trường hợp thực sự khó khăn để hỗ trợ. Đặc biệt, những cá nhân có mối quan hệ với các đối tác là doanh nghiệp, người kinh doanh có gửi đơn xem xét sẽ không tham gia vào tổ này nhằm bảo đảm công bằng và đúng quy định của pháp luật”, ông Ân nhấn mạnh.

Phân tích sâu về những ảnh hưởng của Covid-19 đối với nền kinh tế của Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, TS Trần Sĩ Chương, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân sự Le & Associates, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI nhìn nhận: “Trước những khó khăn do sự cố ngoài ý muốn, tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương Đà Nẵng đã phán đoán và nhìn nhận chính xác về tác động của Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế-xã hội;  nhanh chóng kết hợp đồng bộ song hành hai nhiệm vụ: quyết liệt phòng, chống dịch bệnh cũng như tung ra các giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh; tạo được lòng tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, giữ được bình ổn xã hội trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, khi hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh, cần xác định sớm sẽ hỗ trợ đối tượng nào với phương thức hỗ trợ ra sao và cần sự minh bạch cao. Theo tôi, nên ưu tiên cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tạo nhiều việc làm nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vấn đề cần kíp nhất là không để hiệu lực chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn quá trễ làm giảm giá trị”.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, ước tính đến nay, tổng dư nợ thiệt hại do Covid-19 gây ra cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại trực thuộc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng) lên đến 12.200 tỷ đồng, trong đó dư nợ trung hạn là 7.800 tỷ đồng, còn lại là dư nợ ngắn hạn. Phân theo đối tượng, doanh nghiệp có tổng dư nợ thiệt hại gần 9.000 tỷ đồng; hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã là 180 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình hơn 3.200 tỷ đồng… Phân theo ngành nghề: dư nợ bị thiệt hại lớn nhất là ngành du lịch dịch vụ với hơn 6.300 tỷ đồng; vận tải hơn 873 tỷ đồng, xuất khẩu gần 600 tỷ đồng, công nghiệp hơn 639 tỷ đồng, nông nghiệp hơn 310 tỷ đồng…

Ông Tô Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ thành phố Đà Nẵng: Nóng lòng nhận các gói hỗ trợ

Hầu hết 600 doanh nghiệp vận tải, logistics trên địa bàn thành phố đều chịu những tổn thất do ảnh hưởng của Covid-19. Sau khi gửi các kiến nghị về điều chỉnh thời hạn nợ, chính sách thuế, giảm chi phí bảo trì đường bộ, phí qua BOT, bình ổn giá xăng dầu… cũng như chủ động liên hệ với các ngân hàng là đối tác để nhận được hướng dẫn cụ thể, hiện tại chúng tôi đang rất nóng lòng để tiếp cận được nhanh các “gói” từ Trung ương nhằm duy trì hoạt động khi dịch bệnh đã lan nhanh ra nhiều quốc gia trên thế giới khiến việc lưu thông phải ngưng trệ. Nếu các “gói” hỗ trợ chậm triển khai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh phải đóng cửa. Hy vọng thành phố sẽ có tiếng nói mạnh mẽ, tác động nhiều hơn để các “gói” hỗ trợ sớm được triển khai.

Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố:
Kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ sẽ nhanh chóng được triển khai trong tháng 3 này

“Cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 đã bước vào giai đoạn 2, cũng là lúc các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp bắt đầu bị tác động như bước vào giai đoạn hết nguyên liệu dự trữ, sản xuất cầm chừng vì không có thị trường tiêu thụ… Tôi cho rằng, nếu chậm trễ hơn nữa, tình hình sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần và khả năng hồi phục của một loạt các doanh nghiệp gần như không có.

KHÁNH HÒA – MAI QUẾ

;
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.