Đà Nẵng định vị vững chắc đô thị lớn ở khu vực

.

Hơn 20 năm qua, đô thị Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế-xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã làm cho Đà Nẵng từ một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung.

Việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 cũng như nhiều hoạt động đối ngoại lớn diễn ra tại đây là minh chứng về một đô thị Đà Nẵng có sự phát triển khá toàn diện về kết cấu hạ tầng.

Hạ tầng giao thông được quy hoạch tạo cho đô thị làm điểm kết nối giao thông khu vực. Trong ảnh: Đường cao tốc La Sơn- Túy Loan.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hạ tầng giao thông được quy hoạch tạo cho đô thị làm điểm kết nối giao thông khu vực. Trong ảnh: Đường cao tốc La Sơn- Túy Loan. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 6.000ha.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy rất kém, đặc biệt về giao thông. Kết nối hai khu vực đông, tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ), Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh; phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà; khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư còn dùng nước giếng; công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát ở lẫn với khu vực dân cư…

Qua hơn hai mươi năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến thời điểm trước năm 1997, sự phát triển của đô thị Đà Nẵng cũng rất chậm. Hình hài đô thị không khác là bao so với mấy chục năm trước đó.

Sự kiện có tính lịch sử của đô thị Đà Nẵng khi ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đánh dấu một giai đoạn đầy triển vọng. Ngay thời điểm ấy, thành phố đã đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ.

Những nỗ lực ban đầu tuy chưa nhiều nhưng đã tạo nên một luồng gió mới. Đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển ở thời điểm đầu những năm 2000 khi có thêm những nền tảng pháp lý và khoa học mang tính chiến lược.

Ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 16-10-2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 33/QĐ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được coi là những nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng.

Dựa trên đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến cả đô thị như một đại công trường. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai các dự án.

Toàn bộ hai dải ven biển phía đông và Vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng nghìn hộ dân được giải tỏa toàn bộ để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới.

Các cây cầu lần lượt được bắc qua những dòng sông như: cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ... Các khu vực nông thôn cận đô thị hình thành các khu đô thị mới, khu tái định cư; các cơ sở kho tàng trong đô thị cũng lần lượt được đưa ra vùng ngoại vi.

Đến nay, diện tích đô thị thành phố Đà Nẵng đã lên tới hơn 20.000ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ; các khu dân cư mới được quy hoạch khá bài bản. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ nét cùng với những khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị ở mức bảo đảm. Bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, có trật tự; điều kiện vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện rõ rệt.

Đô thị phía đông sông Hàn thay đổi nhanh chóng góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho thành phố Đà Nẵng.								 Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đô thị phía đông sông Hàn thay đổi nhanh chóng góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Qua việc triển khai hàng loạt các dự án, thành phố đã thực hiện giải tỏa và bố trí tái định cư cho hơn 100.000 hộ dân; đồng thời cũng tạo ra được một lượng quỹ đất lớn để khai thác với các mục đích khác nhau. Công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị diễn ra với một quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng.

Đây có thể coi là giai đoạn khai phá, định hình và tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. Qua hơn 20 năm, đô thị Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế-xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung.

Tuy nhiên, với vai trò, vị trí của đô thị trung tâm khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng như trong bối cảnh chung của hệ thống đô thị cả nước, những vấn đề nội tại của địa phương, đô thị Đà Nẵng đặt ra những yêu cầu mới. Những mục tiêu mà Đà Nẵng đang thực hiện là đề xuất thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, điều chỉnh định hướng phát triển đô thị theo các xu thế hiện đại như: đô thị xanh, đô thị nén, đô thị phát triển theo tuyến vận tải số lượng lớn; xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, có diện mạo quy hoạch kiến trúc đặc sắc, nhân văn và kết nối toàn cầu; đầu tư phát triển đô thị trên cơ sở phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng cũng như tiếp tục mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị hóa có kiểm soát các khu vực nông thôn; phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén nhằm tái thiết đô thị cũ theo hướng hiện đại (tăng chiều cao xây dựng trung bình, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, hiệu suất sử dụng đất…); xây dựng mô hình đô thị sân bay, lấy sân bay quốc tế Đà Nẵng làm hạt nhân phát triển, kết nối các chuỗi dịch vụ đô thị, tạo nên một động lực phát triển mới cho đô thị. Trên cơ sở đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, hình thành khu đô thị cảng với quy mô lớn tại phía bắc thành phố, kết nối với các khu công nghiệp hiện có và sẽ có trong những năm tới.

Đồng thời, phát triển hệ thống không gian xanh và mặt nước, hệ thống quảng trường và các không gian cộng đồng và xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng, sinh động và thanh bình, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên; phát triển đô thị trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt là việc xác định cao trình các khu vực đô thị và các vùng đệm thoát lũ; có giải pháp bảo vệ và làm giàu thiên nhiên cho các khu vực nông thôn và đồi núi.

Trong chặng đường phát triển vừa qua, đô thị Đà Nẵng đã chuyển mình rất tốt, việc khai phá, tạo nên bộ khung cơ bản cũng như một lượng quỹ đất đáng kể để tiếp tục phát triển những bước tiếp theo. Tuy nhiên, nửa sau của chặng đường ấy đã thiếu hẳn một kịch bản phát triển hợp lý, bên cạnh đó là việc khai thác quỹ đất thiếu kiểm soát.

Điều này khiến cho sự phát triển cả về chất lượng đô thị và năng lực kinh tế đều chững lại và hiển hiện nguy cơ tụt hậu so với nhiều địa phương khác. Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng đã nhìn rõ vấn đề và quyết tâm chỉnh hướng kịp thời về chính sách phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược dài lâu.

Trong bối cảnh này, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng đúng lúc. Để cụ thể hóa tầm nhìn đột phá về phát triển đô thị, hiện nay Đà Nẵng đang xúc tiến việc triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng là đô thị trẻ, có lợi thế rất lớn về điều kiện tự nhiên và tính kết nối hạ tầng đầu mối trong mạng lưới đô thị quốc gia. Qua hơn 20 năm phát triển, Đà Nẵng đã trải nghiệm và đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm cả về thành công lẫn hạn chế. Nghị quyết số 43-NQ/TW đã mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội lớn phát triển. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đi lên bằng chính nghị lực của mình để chinh phục những bước đường đầy thử thách, hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.