Những giải pháp để nền kinh tế Việt Nam thực sự đột phá

.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu đầu tư các doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu là những giải pháp then chốt.

Ban lãnh đạo Tổng cục thống kê trả lời các câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ban lãnh đạo Tổng cục thống kê trả lời các câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cho đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, nhiều ngành, lĩnh vực đang theo xu hướng dần hồi phục nhưng dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, qua đó sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Năm 2020, để đạt được mức tăng trưởng 6,8%, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 10,4%, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thực sự đột phá đối với nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

- Xin bà đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020. Những ngành, lĩnh vực nào đóng góp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những tháng đầu năm?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế 6 tháng đầu năm của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, việc Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2020 âm 6,1%; khu vực đồng Euro âm 9,1%; Nhật Bản âm 6,1%; Malaysia âm 3,1%; Thái Lan âm 5%; Philippines âm 1,9%; Trung Quốc gần rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng chỉ đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

Về các ngành, lĩnh vực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay phải kể đến công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; mặc dù, chỉ tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với các năm trước đây.

Tiếp đến là đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường như bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10,01%; thông tin và truyền thông tăng 7,5%.

Cơ sở thu mua vải thiều Cương Hoài, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn mỗi ngày thu mua khoảng 50 tấn quả vải tươi, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Cơ sở thu mua vải thiều Cương Hoài, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn mỗi ngày thu mua khoảng 50 tấn quả vải tươi, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bên cạnh đó, tuy sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng ngành này đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả nên sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp duy trì được mức tăng trưởng dương 0,83%, đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

- Dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng sau dịch Covid-19. Xin bà cho biết những kịch bản tăng trưởng kinh tế được đặt ra từ nay đến cuối năm như thế nào?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có căn cứ trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế, hàng năm Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng biến động của nền kinh tế.

Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng, Tổng cục Thống kê luôn đề xuất ba kịch bản: kịch bản tăng trưởng thấp, kịch bản tăng trưởng trung bình và kịch bản tăng trưởng cao.

Với mỗi kịch bản, Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ chỉ đạo nền kinh tế. Kịch bản tăng trưởng kinh tế là tài liệu sử dụng nội bộ trong Tổng cục Thống kê nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Theo bà, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay có đạt được hay không?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và nhờ đó chúng ta đạt được mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm là một thắng lợi lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm là vô cùng khó khăn khi hầu hết các ngành, lĩnh vực 6 tháng đầu năm nay đều giảm tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, kể cả những ngành, yếu tố dẫn dắt tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ thị trường; tiêu dùng hộ dân cư…

Thực tế, vào thời điểm đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm 2020 đạt 6,8% chưa tính đến sự xuất hiện bất ngờ của dịch Covid-19 và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch.

Mặc dù đến nay dịch đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, nhiều ngành, lĩnh vực đang theo xu hướng dần hồi phục nhưng dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, qua đó sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Trong khi để năm 2020 đạt được tăng trưởng 6,8% thì 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt mức tăng trưởng 10,4%, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thực sự đột phá đối với nền kinh tế.

- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Tổng cục Thống kê có thể đánh giá 2 hiệp định này sẽ tạo cơ hội và tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra những cơ hội cho nền kinh tế của Việt Nam. Cụ thể ở 4 điểm sau:

Thứ nhất là mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ hai, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Thứ ba, tiếp tục tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách pháp luật, thể chế và thứ tư là góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Về tổng quan xét cả về mặt tích cực và tiêu cực, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này thì rõ ràng hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc cải cách mạnh mẽ thể chế, pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài với chất lượng cao, tạo đà tăng trưởng bứt phá trong những năm tới.

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng mang lại không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, nông sản, hàng dệt may… của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU (quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…)

Ngược lại, những mặt hàng nhập khẩu từ EU với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn cũng sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngoài ra, việc thu hút thêm các nhà đầu tư đến từ EU cũng sẽ tạo ra thách thức đối với các nhà đầu tư trong nước khi so sánh các yếu tố như tiềm lực về vốn, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý.

- Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Như tôi đã nói ở trên, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2020 là vô cùng khó khăn. Theo chúng tôi, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Tiếp theo cần tập trung vào một số nội dung như tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.

Giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần được coi trọng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Theo tính toán của chúng tôi, nếu năm nay giải ngân được 100% vốn đầu tư công sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Ngoài ra, cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Đồng thời, Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định của hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.

- Xin trân trọng cám ơn bà.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.