Thời gian gần đây, tình trạng xe trá hình tranh giành khách tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế lại bùng phát, khiến cho các doanh nghiệp (DN) có phương tiện hoạt động tuyến xe buýt này lao đao vì không có khách. Bức xúc từ sự cạnh tranh này nên 80 xã viên, nhà xe tuyến xe buýt liên tỉnh Đà Nẵng - Huế vừa có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo bộ, ngành chức năng, địa phương.
Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý hoạt động xe trá hình. TRONG ẢNH: Hành khách đi trên xe buýt tuyến Đà Nẵng - Huế. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Theo phản ánh từ các xã viên, nhà xe tuyến liên tỉnh Đà Nẵng -Huế, số lượng các ô-tô chạy chui tuyến này lên đến khoảng 250 đầu xe và là số lượng áp đảo số đầu xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Huế hiện có. Không chỉ đông về số lượng, các ô-tô vận chuyển hành khách không phép này lại có một lợi thế nữa là đón khách tại nhà, trả khách tại nơi khách muốn đến nên đáp ứng được các yêu cầu của hành khách và giá vé khá cạnh tranh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần ô-tô dù dán phù hiệu theo quy định “ô-tô vận chuyển khách du lịch” do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thừa Thiên Huế cấp phép, nhưng thay vì vận chuyển khách hợp đồng du lịch theo tour tuyến, các ô-tô này lại hoạt động theo phương thức “xe khách ghép”, “xe đi chung” với việc xác nhận đặt chỗ, đón khách lẻ. Do đó, khi các lực lượng chức năng kiểm tra, các lái xe lại dùng đủ chiêu trò lách luật, đối phó cơ quan chức năng như lập hợp đồng khống, khai chở người nhà, thay đổi hành trình...
Quá bức xúc bởi tình trạng xe trá hình lộng hành trên tuyến nên tập thể các chủ xe vận hành buýt liền kề Đà Nẵng - Huế có đơn cầu cứu gửi các cơ quan quản lý phản ánh việc bùng phát xe trá hình hoạt động trái phép trên tuyến và đề nghị có biện pháp xử lý, bảo đảm quyền vận chuyển hành khách theo đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thực tế hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đã ra quân kiểm tra xử lý vi phạm nhưng chưa ngăn chặn triệt để hoạt động của ô-tô chở khách trá hình dưới dạng xe hợp đồng du lịch. Một số vụ kiểm tra xử lý được ghi nhận như lúc 15 giờ ngày 15-6, lực lượng chức năng đã xử phạt ô-tô 4 chỗ BKS 75A - 150.94, do tài xế Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1989, trú tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) chở khách trái quy định.
Làm việc với tổ công tác, tài xế Nguyễn Văn Nghiêm thừa nhận đã điều khiển ô-tô BKS 75A - 150.94 đi đón 4 khách ở các địa điểm khác nhau trong thành phố Huế, huyện Phú Lộc và chở khách vào Đà Nẵng với số tiền 120.000 đồng/khách. Dù kinh doanh chở khách nhưng ô-tô 4 chỗ này lại không được cấp phù hiệu xe kinh doanh hợp đồng hay du lịch. Tài xế Nghiêm khai nhận, mình chỉ chở thuê. Đây là phương thức mới xe trá hình, hòng qua mặt tổ tuần tra kiểm soát khi loại ô-tô 7 chỗ được nhận diện và xử lý nhiều thời gian qua.
Cùng ngày, lực lượng chức năng đã xử lý 2 “xe hợp đồng” loại 7 chỗ chở khách “trá hình” trên tuyến Huế vào Đà Nẵng, đó là ô-tô BKS 75A - 150.52 (thuộc Hợp tác xã (HTX) Vận tải ô-tô Tuấn Anh), do tài xế Hoàng Văn Thắm (SN 1995, trú tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) điều khiển chở khách trái quy định và ô-tô 7 chỗ BKS 75A - 051.75 (thuộc HTX Vận tải ô-tô Trường An), do tài xế Trương Trí Bảo (SN 1988, trú tại đường Bà Triệu, phường Phú Hội, thành phố Huế) chở khách trái quy định. Trước đó, chiều 11- 6, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, phát hiện ô-tô loại 7 chỗ BKS 75A - 164.86 (thuộc HTX Dịch vụ vận tải ô-tô Tân Trường Phát) chở khách từ Huế vào Đà Nẵng trái quy định.
Tại Đà Nẵng, từ khi tổ liên ngành gồm Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự được khôi phục, lực lượng liên ngành đã kiểm tra, xử lý hơn 70 trường hợp xe khách hoạt động trá hình, tước hàng chục giấy phép lái xe, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 200 triệu đồng. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe chui, xe trá hình. Tuy nhiên, do tuyến xe buýt Đà Nẵng - Huế nằm trên hai địa phương, nên việc cấp phép phù hiệu xe, kiểm soát số lượng đầu xe phụ thuộc vào từng địa phương.
Đối với Đà Nẵng, việc cấp phép phù hiệu được quản lý một cách chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu thực tế. Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý trên tuyến, thì công tác hậu kiểm, thu hồi phù hiệu, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải chui sẽ được Sở GTVT thành phố xử lý nghiêm theo quy định.
Như vậy, giải pháp cần thiết lúc này là cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cấp phép phù hiệu hợp đồng của ngành GTVT thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, cần có quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết của các xe kinh doanh vận tải để cơ quan chức năng dễ phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, phải tăng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm để tránh việc nhờn luật, phạt xong lại vi phạm tiếp.
PHƯƠNG UYÊN