Đòn bẩy cho khởi nghiệp Đà Nẵng

.

Để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng cần có những cách làm mới, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua. 

Đà Nẵng có thể ưu đãi cho các startup sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm thị trường tại thành phố trước khi sản xuất hàng loạt. (Ảnh chụp tại Công ty CP Công nghệ CTNet, quận Hải Châu) Ảnh: K.NINH
Đà Nẵng có thể ưu đãi cho các startup sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm thị trường tại thành phố trước khi sản xuất hàng loạt. (Ảnh chụp tại Công ty CP Công nghệ CTNet, quận Hải Châu). Ảnh: K.NINH

Xây dựng hệ sinh thái mở, gắn kết với đơn vị điều phối

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước. Ngoài ra, thành phố có 6 vườn ươm khởi nghiệp; 10 CLB và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đã hình thành và từng bước phát triển, song, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp, chưa có các tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ, dẫn dắt và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trên thực tế, đã có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành mạng lưới và hoạt động đầu tư chưa mạnh mẽ; nhân lực thực hiện công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Các trường đại học, viện nghiên cứu tuy đã bắt đầu quan tâm đến khởi nghiệp, một số trường thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp hoặc trung tâm khởi nghiệp nhưng các hoạt động còn mang tính phong trào, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và thị trường; chưa có nhiều doanh nghiệp hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Trước thực tế đó, Đà Nẵng cần có những quyết sách mang tính tiên phong, định hướng làm đòn bẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại hội thảo về cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương - kinh nghiệm thế giới và bài học cho Đà Nẵng do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức cuối tháng 3, PGS.TSKH Phạm Đức Chính (Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất mô hình phát triển đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng nên là một hệ sinh thái mở, có các thành phần được phân bố tại nhiều địa điểm trong thành phố, được quản lý và điều phối bởi một đơn vị chuyên trách, đủ năng lực. Trong đó, các thành phần được kết nối với nhau trên cơ sở tham gia thỏa thuận đối tác với đơn vị quản lý; thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phê duyệt khi tham gia và được hỗ trợ tương ứng với chức năng, nhiệm vụ đăng ký.

PGS.TSKH Phạm Đức Chính nói: “Đơn vị quản lý có thể hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, không bị ràng buộc bởi các quy định thu, chi khu vực công. Bên cạnh đó, được hỗ trợ kinh phí hoạt động, được nhận tài trợ, cho tặng để chi cho hoạt động và đầu tư mạo hiểm; được đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong hệ sinh thái thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, visa và giấy phép lao động… theo cơ chế “một cửa” và quy trình ưu tiên riêng; được ưu tiên đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ, giới thiệu công nghệ, tư vấn doanh nghiệp, tổ chức sự kiện truyền thông, nghiên cứu phát triển từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức khác có liên quan.

Đối với các cơ sở đào tạo, cần được hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: đào tạo kỹ năng kinh doanh và tiếng Anh, hình thức hỗ trợ có thể là cấp vốn hoặc hỗ trợ học phí cho học viên. Ngoài ra, được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; được ưu tiên ký thỏa thuận đối tác và hỗ trợ theo đề án”.

Cần chính sách đột phá

ThS Đỗ Đức Khả, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển doanh nhân Việt Nam (thuộc Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) chỉ ra, Đà Nẵng hiện nay chưa có chính sách chiến lược đủ mạnh để bứt phá trong việc xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ phát triển khởi nghiệp. Đối với các các trường đại học, viện nghiên cứu, vườn ươm nên có quy định về chính sách tài chính đặc thù như: miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị... mà công nghệ trong nước chưa tạo ra được.

Đà Nẵng có thể hỗ trợ vốn bằng cách xây dựng quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp tác công-tư, hoạt động theo cách thức của các quỹ tín thác nhằm kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong xã hội. Còn ông Võ Đức Anh, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Đà Nẵng và thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) có nhiều nét tương đồng về thể chế, cùng chuyển đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang thị trường.

Sau 40 năm, Thâm Quyến đã từ một làng chài trở thành đô thị hiện đại với hơn 10.000 startup, được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Theo ông Anh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Thâm Quyến là các cơ chế đặc thù toàn diện để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển khoa học và công nghệ.

“Trong khi chờ cơ chế đặc thù toàn diện, Đà Nẵng có thể tham khảo áp dụng chính sách Thâm Quyến trong khả năng của mình như: hỗ trợ kết nối 1:1 cho các cá nhân tham gia chương trình khoa học công nghệ cấp thành phố và quốc gia; ưu đãi cho các startup sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm thị trường tại thành phố trước khi sản xuất hàng loạt…”, ông Anh nói.

Xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ thành phố trong những năm tới. Ông Lê Đức Viên cho biết, trong năm 2021 sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đề nghị các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, nhất là áp dụng Nghị định số 94/2020/NĐ-CP cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp công nghệ cao và Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Khu Công viên phần mềm số 2, Vườn ươm công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ thông tin tập trung và một số chính sách đặc thù khác.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.