Ngày 25-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu (hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Trong đó, yêu cầu UBND thành phố khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan.
Phối cảnh dự án Bến cảng Liên Chiểu của đơn vị tư vấn JICA. Ảnh: THÀNH LÂN |
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, thời gian qua, UBND thành phố đã chủ động thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giao đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối của dự án; Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản của dự án…
Ngày 13-4-2021, UBND thành phố phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo báo cáo cuối kỳ dự án khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu. Tại đây, các nhà chuyên môn, quản lý đều cho rằng cần triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu càng sớm càng tốt.
Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn Xây dựng công trình hàng hải Phạm Trung Kiên đặt vấn đề, theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung), dự án được triển khai xây dựng trong giai đoạn từ 2021-2025, trong khi đó, đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng từ cuối năm 2026-2027.
Theo ông Kiên, cần triển khai sớm nhằm tránh lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư cũng như nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, cần thiết lập những tuyến vận tải mới vì như vậy sẽ làm thay đổi toàn bộ lượng hàng của khu vực Liên Chiểu thành đầu mối trung chuyển của khu vực và quốc gia. Cũng theo ông Kiên, nếu đơn vị tư vấn đề xuất hợp phần B xây dựng theo phương án PPP (đối tác công tư) thì có nên hay không, vì hợp phần A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư công. Hợp phần B nên chuyển sang phương án đầu tư trực tiếp, đấu thầu để dành ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Sở Giao thông vận tải cũng cho rằng, việc sớm triển khai xây dựng dự án là cấp thiết và nếu đưa vào hoạt động càng sớm thì hiệu quả mang lại sẽ càng cao. Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, để khẩn trương triển khai dự án, UBND thành phố đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường…để sớm hoàn thành việc lập báo cáo và trình cấp thẩm quyền. Cụ thể là giao kế hoạch trung hạn cho dự án; phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt quyết định đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án…
Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn còn những vướng mắc cần tập trung tháo gỡ như: mở, kết nối đường, quy hoạch khu dân cư sau giải tỏa mặt bằng, chi phí xây dựng, những tác động môi trường cho vùng bờ biển Đà Nẵng, hoạt động nạo vét, nhấn chìm vật chất bồi lắng...
Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, nằm trong khu vực quy hoạch giải tỏa dự án có khoảng 3.000 hộ với 10.000 dân; trong đó khu vực phường Hòa Hiệp Bắc không còn nhiều đất ở nên việc tìm kiếm, bố trí đất ở cho 10.000 dân sau khi di dời là rất quan trọng đối với địa phương.
Quận Liên Chiểu kiến nghị thành phố quan tâm vấn đề này. Riêng về kết nối giao thông, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ rất đông đúc do nằm trong khu dân cư, lưu lượng giao thông cao. Vì vậy, nếu triển khai sử dụng tuyến đường này trong giai đoạn xây dựng cảng cũng như đưa cảng vào hoạt động thì sẽ rất khó khăn nên đề xuất triển khai tuyến đường kết nối riêng biệt, cùng lúc đầu tư giai đoạn đầu.
Được biết, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư tiềm năng và có năng lực tài chính trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu và mong muốn đầu tư, thực hiện dự án như: Boskalis Inter A.V (Hà Lan), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn…
Mục tiêu của dự án Bến cảng Liên Chiểu (hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu. Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như: kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2021-2025. |
THÀNH LÂN