Nhiều dư địa cải thiện điểm PCI, PAPI

.

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa được công bố vào giữa tháng 4-2021 cho thấy, Đà Nẵng vẫn giữ vị thế ở nhóm “rất tốt” trong bảng xếp hạng PCI nhưng đã tụt hạng đáng kể ở bảng xếp hạng PAPI khi lần đầu tiên rơi vào nhóm “trung bình thấp”. Đà Nẵng còn nhiều dư địa để cải thiện các chỉ số này.

Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là các giải pháp để góp phần cải thiện PCI.  Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ
Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là các giải pháp để góp phần cải thiện PCI. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ

Có thể Covid-19 đã ảnh hưởng đến điểm PAPI

Điểm số của Đà Nẵng ở 8 chỉ số nội dung thuộc PAPI 2020 như sau: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: 4,5/10 điểm; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”: 5,04/10 điểm; “Trách nhiệm giải trình với người dân”: 4,6/10 điểm; “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”: 6,69/10 điểm; “Thủ tục hành chính công”: 7,34/10 điểm; “Cung ứng dịch vụ công”: 7,6/10 điểm; “Quản trị môi trường”: 3,14/10 điểm; “Quản trị điện tử”: 3,6/10 điểm. Lần đầu tiên, nghiên cứu PAPI thực hiện khảo sát và trình bày phát hiện nghiên cứu thí điểm đối với nhóm mẫu là người dân có hộ khẩu tạm trú dài hạn và ngắn hạn tại 6 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư ròng lớn nhất toàn quốc, trong đó có Đà Nẵng.

Kết quả cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về điều kiện nhân khẩu học giữa người nhập cư và người có hộ khẩu thường trú. Tuy vậy, tại Đà Nẵng, đánh giá của người nhập cư không thấp hơn nhiều so với người có hộ khẩu thường trú, thể hiện nỗ lực của thành phố trong việc giải quyết thỏa đáng nhu cầu và mong đợi của 2 nhóm đối tượng này.

Ở chỉ số “Cung ứng dịch vụ công”, Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương đạt điểm cao nhất cả nước. Chỉ số “Quản trị điện tử” mới được đánh giá từ năm 2018 và tiếp tục được bổ sung, sửa đổi trong năm 2020, đo lường sự tương tác giữa chính quyền với người dân trên không gian mạng internet (mức độ sẵn có, khả năng sử dụng và khả năng đáp ứng của dịch vụ công trực tuyến). Kết quả, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt điểm thấp ở chỉ số này, riêng Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc, dù chỉ với 3,6/10 điểm.

Các chuyên gia nhận định, năm 2020 là một năm đầy thách thức do ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai liên tiếp tại miền Trung. Ở Đà Nẵng, điểm chỉ số “Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” giảm có thể một phần là do các dự án tu sửa, xây mới công trình công cộng trên địa bàn không được triển khai do tác động của dịch bệnh.

Theo phân tích từ báo cáo PAPI, điểm chỉ số này giảm không nhất thiết là do chất lượng huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân giảm sút, mà có thể chính quyền địa phương nhạy cảm hơn với thực tế bằng cách giảm gánh nặng đóng góp cho người dân trong hoàn cảnh khó khăn của năm 2020.

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng, năm 2020, Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, đặc biệt là trong đợt dịch thứ hai với tâm dịch tại thành phố. Do đó, khó tránh khỏi việc người dân trăn trở, ít hài lòng với các dịch vụ công.

Ông Hòa nói: “Đây là lần đầu tiên điểm PAPI của Đà Nẵng rơi vào nhóm “trung bình thấp”. Chúng tôi đang tìm hiểu 8 chỉ số nội dung và 29 chỉ số thành phần để xem Đà Nẵng đã cải thiện và vướng mắc ở những điểm nào. Có một số chỉ số có mức điểm gây bất ngờ, như ở chỉ số thành phần “Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử” (thuộc chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”), Đà Nẵng có sự giảm điểm mạnh so với năm 2019.

Trong khi đó, năm 2020, thành phố đã tích cực đẩy mạnh việc tương tác với người dân qua Tổng đài 1022, mạng xã hội facebook, zalo, chatbot... Vì vậy, chúng tôi sẽ khảo sát xem nguyên nhân người dân chưa hài lòng là từ đâu, có phải vì thông tin được phúc đáp chậm, phúc đáp không đủ, chatbot trả lời chưa đúng trọng tâm câu hỏi... Từ đó, sẽ có báo cáo cụ thể cho UBND thành phố. Viện có thể sẽ đề xuất tổ chức hội thảo để phân tích và tìm cách cải thiện PAPI trong thời gian tới với góc nhìn cầu tiến, giúp các nỗ lực cải cách hành chính của thành phố đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của người dân”.

Doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong cải cách hành chính,  ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: PHONG LAN
Doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: PHONG LAN

Nhiều dư địa để cải thiện PCI

Trong bảng xếp hạng PCI 2020, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu khu vực duyên hải miền Trung. Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2020, Đà Nẵng có 4 chỉ số lọt vào top 10 toàn quốc gồm: “Đào tạo lao động” (đứng thứ 3 cả nước với 7,87 điểm), “Gia nhập thị trường” (đứng thứ 4 với 8,75 điểm), “Tiếp cận đất đai” (đứng thứ 7 với 7,35 điểm) và “Chi phí thời gian” (đứng thứ 8 với 8,62 điểm).

Đặc biệt, Đà Nẵng đã có sự cải thiện đáng kể về chỉ số “Gia nhập thị trường” và chỉ số “Chi phí không chính thức” với mức điểm cao nhất kể từ năm 2017. Đây cũng là năm Đà Nẵng đạt điểm cao nhất ở chỉ số “Chi phí thời gian”, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” và chỉ số “Thiết chế pháp lý” kể từ khi bắt đầu xếp hạng PCI vào năm 2006.

Ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ cho rằng, Đà Nẵng sẽ sớm cải thiện các chỉ số thấp điểm vì đã có nền tảng hành chính và dịch vụ công rất tốt. Tuy nhiên, vì nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra của Trung ương trong thời gian qua nên các chỉ số về “tính năng động” còn chưa cao. Ông Hải nói: “Năm 2021 là năm bắt đầu một giai đoạn, nhiệm kỳ phát triển mới. Tôi tin kinh tế thành phố sẽ sớm khởi sắc và cải thiện các chỉ số PCI trong thời gian tới.

Để góp phần cải thiện PCI, thành phố nên phát huy vai trò cầu nối của các hội, hiệp hội doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng tới các cấp lãnh đạo. Hiện các chương trình như “Cà phê doanh nhân” chỉ mang tính chất doanh nghiệp nêu khó khăn một cách rời rạc hoặc mang tính giao lưu giữa các doanh nghiệp với nhau.

Thay vào đó, cần có những buổi gặp mặt có chủ đề cụ thể. Ví dụ, số tháng này có chủ đề “Xuất nhập khẩu” thì mời lãnh đạo Cục Hải quan, lãnh đạo Sở Công thương… và doanh nghiệp nào quan tâm đến chủ đề đó sẽ tự nguyện tham gia. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp xúc, gặp gỡ và giải đáp những thắc mắc của mình với chính quyền, tăng các chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp hay tính năng động”.

Tương tự, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố cũng đặt niềm tin Đà Nẵng sẽ sớm có những bước phát triển trên chặng đường mới, nhất là khi lãnh đạo thành phố đang quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Hùng cũng nhìn nhận, vị trí thứ 5 của Đà Nẵng tại bảng xếp hạng PCI là đúng với thực trạng hiện nay.

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng nhận định, các chỉ số “Gia nhập thị trường”, “Chi phí thời gian”, “Chi phí không chính thức”, “Đào tạo lao động”, “Quy chế pháp lý” năm 2020 là các điểm sáng của môi trường kinh doanh Đà Nẵng.

Qua ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, các cơ quan tài chính không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19...

Để khắc phục các chỉ số thấp như “Cạnh tranh bình đẳng”, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, theo ông Tuân, hiện Trung ương và thành phố đã có nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc cần thiết là cần tăng cường thực thi, làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách hiệu quả nhất, các tiêu chí trong kế hoạch triển khai nên được đo lường để đánh giá tính hiệu quả của chính sách.

PHONG LAN - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.