Doanh nghiệp hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

.

Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc các doanh nghiệp bắt đầu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA)... được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thành phố những tháng qua.

Doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi khi tình hình sản xuất trong những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực trên thực tế. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi khi tình hình sản xuất trong những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực trên thực tế. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Đơn hàng tăng mạnh

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo đó, các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy sản, dệt may, da giày, gỗ, gạo... Đây được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tranh thủ gia tăng đơn hàng, sản lượng xuất khẩu nhằm bù lại sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020.

Ông Huỳnh Trinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho biết, lợi ích thiết thực nhất mà các hiệp định thương mại mang lại cho doanh nghiệp là đơn hàng tăng lên đáng kể. Hiện nay, đơn vị đã có đơn hàng qua tháng 8. Đầu ra ổn định góp phần tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong việc đưa ra những chiến lược lâu dài để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

“Khi EVFTA có hiệu lực, các nhà nhập khẩu EU có thể sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế. EU là thị trường có nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới. Sau thời gian dài chuẩn bị, chúng tôi rất phấn khởi vì đã bắt đầu được hưởng lợi từ EVFTA”, ông Trinh phân tích.

Nằm trong số các mặt hàng có lợi thế sau khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, đến thời điểm này, khi thế giới và cả nước bước vào năm thứ 2 đối phó với Covid-19, thủy sản vẫn là ngành duy trì được mức tăng trưởng tốt khi con đường xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngày càng rộng mở.

Tại Công ty CP xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung, hoạt động xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản (quốc gia tham gia CPTPP) nên thời gian qua, công ty này cũng được hưởng lợi từ hiệp định với đơn hàng duy trì ổn định, thậm chí tăng lên đáng kể.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi duy trì tốt hoạt động sản xuất với doanh số xuất khẩu ước đạt 2,5 triệu USD/tháng”, bà Trần Như Thiên Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung cho biết.

Trong khi đó, một trong những yếu tố giúp Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước duy trì được tăng trưởng dương từ năm 2020 đến nay là nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường châu Âu với sản phẩm chủ lực là tôm đông lạnh.

Các hiệp định thương mại tự do cũng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp dệt may mạnh dạn đầu tư nhập khẩu máy móc chất lượng cao, chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU…

Đối với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, thị trường châu Âu - EU chiếm hơn 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị với sản phẩm chính là mặt hàng áo quần bảo hộ lao động, ngoài ra còn có áo jacket, bộ com-lê, quần và sợi chất lượng cao. Những tháng đầu năm, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trên hai con số.

Công nhân đang sản xuất tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Công nhân đang sản xuất tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tăng sức chống chịu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sau CPTPP, EVFTA đã bắt đầu phát huy hiệu lực. Giá trị mà hai hiệp định này mang lại không chỉ ở những con số tăng trưởng mà về lâu dài sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các ngành hàng chủ động hình thành chuỗi sản xuất khép kín để được hưởng ưu đãi về thuế quan và hình thành chuỗi cung ứng mới, thay thế chuỗi cung ứng truyền thống vốn phụ thuộc vào Trung Quốc và một nhóm thị trường nhất định. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã làm được điều này, riêng Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ về cơ bản đã hình thành được chuỗi cung ứng như nói trên. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tính toán chiến lược phát triển về lâu dài khi EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam lớn thứ hai sau Mỹ.

Đối với doanh nghiệp thủy sản, việc phải đáp ứng nhiều quy tắc khắt khe từ các quốc gia tham gia hiệp định thương mại tự do đã tạo sức ép, buộc doanh nghiệp phải không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh một cách chuyên nghiệp và chủ động hơn; nhất là trong khâu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, một điểm yếu trong mắt xích của quy trình chế biến, sản xuất và xuất khẩu lâu nay.

“Hiện nay, chúng tôi đã chủ động được nguồn cung mặt hàng chủ lực là tôm nên tình trạng phụ thuộc, bị động như trước đây đã được cải thiện”, bà Trần Như Thiên Mỵ thông tin.  

Trong bối cảnh nhiều quốc gia, địa phương vẫn đang căng mình để ứng phó với Covid-19, việc được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do được xem là cú hích quan trọng, giúp doanh nghiệp chủ động có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng sức chống chịu trước những rủi ro, nhất là khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn khá bấp bênh, chưa hoàn toàn hồi phục sau gần hai năm liên tiếp chịu tác động bởi Covid-19. Đây cũng là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong những tháng tiếp theo, hướng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP 6% đề ra trong năm 2021.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.