Covid-19 tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) lại có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, ứng dụng TMĐT được xem là “cứu cánh” cho các DN duy trì hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số.
Ngành bán lẻ đang thích ứng nhanh với mua bán trực tuyến, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Danavi Mart, đường Phan Đình Phùng, quận Hải Châu. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Đổi mới để vượt khó
Những ngày qua, lượng người mua hàng trực tiếp tại cửa hàng thực phẩm sạch của HTX Thu Bồn Mart (số 551 đường Hoàng Diệu) giảm so với trước. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, Giám đốc HTX Thu Bồn Mart, lượng khách giảm là do người dân e ngại dịch bệnh nên ở nhà đặt mua hàng trực tuyến; theo đó, lượng đặt hàng online của cửa hàng những ngày gần đây tăng gấp 3 lần so với trước.
“Nhiều ngành nghề, mặt hàng kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19, song ngành hàng chúng tôi là lương thực, thực phẩm sạch nên tình hình kinh doanh khá ổn. Trước khi xảy ra dịch bệnh, cửa hàng không mạnh về mảng bán hàng online nhưng từ bây giờ, có lẽ chúng tôi phải đầu tư hơn ở mảng này”, ông Quang thông tin thêm.
Tương tự, ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho biết, đơn hàng online tại siêu thị tăng 300-400% những ngày qua (mỗi ngày từ 100-150 đơn hàng online). Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đang chấp nhận thanh toán bằng nhiều hình thức như: tiền mặt, ví Momo, thẻ ATM và thẻ tín dụng, phiếu quà tặng của hệ thống… nhằm tạo điều kiện để người dân an tâm ở nhà mua sắm.
Mỗi ngày, siêu thị Co.opmart Đà Nẵng có khoảng 2.800 lượt giao dịch, trong đó có hơn 1.200 lượt giao dịch thanh toán điện tử (TTĐT), chiếm hơn 40% tổng số lượt giao dịch thanh toán trong một ngày. Đơn vị tăng cường triển khai nhiều loại hình thức thanh toán; trong đó, đặc biệt chú trọng đến các hình thức TTĐT như: thẻ ngân hàng (Visa card, Master card, thẻ ATM), Samsung pay, OG payment, ví điện tử Momo...
Nhằm đem đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng, siêu thị Danavi Mart xây dựng website: https://www.sieuthidanavimart.com. Tất cả các mặt hàng từ thực phẩm sơ chế, đồ ăn vặt, trái cây, rau củ… đều có mặt trên trang web với giá bán chi tiết. Khách hàng chỉ cần ở nhà, vào trang web chọn mặt hàng bỏ vào giỏ hàng và đến kênh thanh toán (tiền mặt hoặc qua thẻ). Kênh bán hàng này còn cho phép khách hàng bày tỏ quan điểm, thái độ về dịch vụ phục vụ của siêu thị hay những khó khăn để được Danavi Mart hỗ trợ.
“Những ngày vừa qua, nhiều người gọi điện qua số điện thoại kết nối zalo của siêu thị để đặt hàng, hoặc đặt trên website, lượng đặt hàng online gần đây tăng 30-50% so với trước. Các mặt hàng được mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ, trái cây…), sữa tươi, nước khoáng, mì ăn liền, các loại dung dịch sát khuẩn”, bà Phan Như Yến, Giám đốc siêu thị Danavi Mart cho biết.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ khác như VinMart, Lotte Mart… đang thực hiện chiến lược địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu; đồng thời ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Hiện xu hướng bán hàng online qua các kênh website, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng và đặt hàng qua điện thoại… đang được các nhà bán lẻ triển khai mạnh mẽ để kết nối với người tiêu dùng.
Đầu tư cho “chợ mạng”
Những diễn biến phức tạp của Covid-19 đã làm thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng, buộc các DN phải đẩy nhanh lộ trình đầu tư, vận hành mảng thương mại trực tuyến. Từ những tín hiệu trên, nhiều DN bán lẻ cho biết, đang có sự linh hoạt hơn trong cách bán hàng để thu hút người tiêu dùng. Theo đó, các nhà bán lẻ ngoài thực hiện luân phiên những hoạt động khuyến mãi, giảm giá, tặng quà hoặc tích điểm cho khách hàng thành viên, còn đẩy mạnh mô hình cửa hàng nhỏ, linh động hình thức bán hàng từ online đến offline để đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Đà Nẵng, các nhà bán lẻ đang đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến, đây là điều kiện để thanh toán kỹ thuật số phát triển. Tuy nhiên, để gia tăng doanh số TMĐT, các nhà bán lẻ cần tích cực hợp tác với các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán để đa dạng hóa các hình thức thanh toán cho khách hàng khi tham gia mua bán trên các sàn TMĐT.
Đồng thời, trang bị những kỹ năng về TMĐT cho đội ngũ nhân sự thực hiện các công việc liên quan đến xử lý thông tin mua bán hàng hóa, kịp thời xử lý những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng. Sau cùng là tập trung đầu tư thiết kế website, trong đó, thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ, chương trình tích điểm, khuyến mãi bên cạnh cửa hàng truyền thống để khách hàng có sự so sánh, lựa chọn, thanh toán trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại.
Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thành phố thông tin, nhằm hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa trên môi trường Internet, từ 2016-2020, Sở đã hỗ trợ 208 lượt DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng TMĐT; các giải pháp marketing trực tuyến, bán hàng online, tham gia sàn TMĐT thành phố Đà Nẵng (danangtrade.com.vn) và tổ chức thực hiện những nội dung nhằm giúp DN giới thiệu, quảng bá, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, hỗ trợ 1.590 DN giới thiệu 2.489 sản phẩm/dịch vụ trên sàn; phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công thương triển khai chương trình hỗ trợ DN tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT trong nước (Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn).
Với sự chủ động trên của các nhà bán lẻ, cùng hỗ trợ chính sách của các bộ, ngành, địa phương đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, ngành bán lẻ thời gian tới sẽ thích ứng nhanh với tình hình thực tế và phát triển hơn nữa.
QUỲNH TRANG