Doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) ngành du lịch mong đợi các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả để người lao động sớm tiếp cận, giúp phần nào vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình về vấn đề này.
Nhân lực ngành du lịch mong muốn sớm được tiếp cận các chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn. TRONG ẢNH: Nhân viên lễ tân khách sạn À La cart (trái) đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà đang hỗ trợ khách du lịch vào tháng 4-2021. Ảnh: THU HÀ |
* Thưa ông, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã có các chính sách hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành?
- Ngoài các chính sách đã ban hành từ năm 2020, trong năm 2021, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, thành phố tiếp tục ban hành và triển khai thêm các chính sách nhằm hỗ trợ DN, NLĐ nói chung và ngành du lịch nói riêng vượt qua khó khăn do tác động của Covid-19. Cụ thể, giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; miễn, giảm lãi vay đến hết năm 2021; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021; hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tối thiểu tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 20-5-2021 của UBND thành phố. Các DN đầu tư vào các lĩnh vực thuộc danh mục ưu tiên đầu tư, cho vay tại quỹ được vay với mức lãi suất thấp nhất là 6,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất cho vay tối thiểu hiện nay. Đồng thời, các dự án đang vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng cũng sẽ được xem xét điều chỉnh giảm lãi suất tương ứng với mức giảm 0,5%/năm.
Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ NLĐ trong lĩnh vực du lịch tiếp cận nguồn vốn vay nhằm chuyển đổi ngành nghề hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch theo cơ chế cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. NLĐ có thể vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng với lãi suất là 7,92%/năm (tương tự mức hỗ trợ hộ cận nghèo). Hỗ trợ tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo miễn phí nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho các DN du lịch, người lao động; hỗ trợ DN, cơ sở du lịch khai thác, phát triển các nền tảng đại lý du lịch trực tuyến (OTA); đẩy mạnh công tác truyền thông, liên kết phát triển du lịch trực tuyến…
* Được biết, lao động ngành du lịch đang được xem xét các gói hỗ trợ, vay vốn... Các gói này được triển khai đến đâu? Dự kiến có khoảng bao nhiêu người tiếp cận được nguồn vốn vay?
- HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã thông qua chủ trương ủy thác từ nguồn vốn ngân sách thành phố và xem xét cân đối một phần từ nguồn vốn Trung ương thu hồi nợ, cho vay quay vòng để hỗ trợ NLĐ trong lĩnh vực du lịch vay vốn. Điều này giúp NLĐ chuyển đổi ngành nghề hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, phục vụ du lịch theo cơ chế cho vay để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định hiện hành của Chính phủ và UBND thành phố.
Sở Du lịch đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Hiệp hội Du lịch, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố tích cực tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ tiếp cận và thụ hưởng chính sách này. Qua tiếp nhận thông tin đăng ký về Sở Du lịch và khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Du lịch và quỹ, có khoảng 1.000 người có nhu cầu vay vốn. Tính đến ngày 25-7-2021, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân cho 89 lao động ngành du lịch với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
* Việc hỗ trợ này có ý nghĩa như thế nào đối với người lao động trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay? Sở Du lịch có kế hoạch, định hướng gì giữ chân người lao động để không bị thiếu hụt nhân lực của ngành khi hoạt động du lịch phục hồi?
- Có thể thấy, hiện nay tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước đang diễn biến rất phức tạp, bên cạnh các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố thì các chính sách hỗ trợ cho NLĐ ngành du lịch vay vốn là những chính sách rất nhân văn và thiết thực giúp DN, NLĐ ngành du lịch tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Covid-19 đã tác động rất lớn đến nhân lực ngành du lịch. Ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính dự trữ để duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện giảm nhân lực ở những vị trí không cần thiết, giữ chân nhân lực có chất lượng. Chưa kể, nhiều lao động bị mất việc làm, chuyển đổi nghề để duy trì cuộc sống nên nguồn nhân lực của ngành đang dần cạn kiệt.
Dự báo, sau khi dịch được kiểm soát, du lịch khôi phục sẽ có tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Hai năm qua, để nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực, Sở Du lịch thường xuyên triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho người lao động, doanh nghiệp về giải pháp thích ứng trong giai đoạn dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, chuyển đổi số; tập huấn nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Trong giai đoạn chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, sở cũng đề nghị doanh nghiệp chủ động bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của đơn vị.
Tới đây, Sở Du lịch sẽ rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại. Đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh và mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường triển khai cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch...
* Xin cảm ơn ông.
THU HÀ thực hiện